Đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục đại học
Theo các chuyên gia, tài chính đại học là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo và ổn định thu nhập cho giảng viên. Tuy nhiên, cơ chế tài chính giáo dục đại học cũng cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn khách quan và bắt nhịp với xu hướng phát triển của thế giới.
Theo PGS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội, chính sách đầu tư cho giáo dục đại học (GDĐH) theo quy định tại Điều 12 được sửa đổi theo hướng thực hiện thông qua các đề án, dự án, chương trình, chính sách tín dụng sinh viên và đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Từ đó, các trường đại học công tư đều có thể tiếp cận nguồn NSNN thông qua đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu.
PGS Trần Văn Tớp đề xuất, cần bổ sung chính sách để khuyến khích và ưu đãi đầu tư của tư nhân vào các cơ sở giáo dục đại học, kể cả công lập cũng như tư thục.
Đồng thời có thể nghiên cứu thêm chính sách của các nước khi đầu tư cho giáo dục và khoa học như ưu đãi về thuế, kể cả đối với các trường đại học công lập và tư thục.
Còn theo TS Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về chính sách tài chính tại Khoản 2, 3 Điều 12 về cơ chế tài chính của các cơ sở giáo dục đại học tại các Điều 64, 65, 66 và 67.
Có thể thấy đây là những sửa đổi quan trọng, với tinh thần thể chế hóa chủ trương đổi mới chính sách, cơ chế tài chính đã được quy định trong Nghị quyết số 29.
Tuy nhiên, nhìn từ hệ thống các chủ trương đổi mới cơ chế tài chính, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, cần xem xét, chỉnh sửa theo tiêu chí: ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học theo hướng tập trung xây dựng một số cơ sở GDĐH trọng điểm, ngành đào tạo trọng điểm;
Đồng thời bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở GDĐH ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; bảo đảm thực hiện chính sách ưu tiên đối với người học theo quy định; bảo đảm kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở GDĐH, không phân biệt công lập, tư thục;
Cùng với đó, thực hiện đấu thầu, đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, không phân biệt loại hình cơ sở giáo dục đại học.
Về cơ chế tài chính của cơ sở GDĐH, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến nêu quan điểm, trong Dự thảo cần có quy định bổ sung để bảo đảm tính nhất quán trong hệ thống pháp lý. Theo hướng đó cần bổ sung hai khoản sau đây vào cuối Điều 64. Cụ thể:
"Khoản 2. Cơ sở GDĐH công lập có trách nhiệm đổi mới cơ chế hoạt động để tăng nguồn thu ngoài ngân sách theo hướng từng bước tự bảo đảm chi thường xuyên, tiến tới tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động
Khoản 3. Chính phủ quy định lộ trình và giải pháp đổi mới cơ chế tài chính của cơ sở GDĐH quy định tại Khoản 2 Điều này, theo hướng cơ sở GDĐH càng tự bảo đảm được chi phí hoạt động thì càng được thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn".