ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ - THỰC TIỄN VÀ HÀNH ĐỘNG - Bài 1: Nhìn từ thực tiễn
Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xác định là đột phá chiến lược, là động lực chủ yếu thúc đẩy hiện đại hóa đất nước, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Nội dung cốt lõi này được đề cập trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Điều này cũng hướng đến mục tiêu tạo nên đột phá thực sự về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đổi mới công nghệ luôn là một trong những mục tiêu quan trọng đối với các doanh nghiệp nhằm tăng khả năng cạnh tranh, giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận.
Từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ nhiều nguồn lực khác nhau đã và đang tập trung đổi mới công nghệ sản xuất nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là đối với nhóm ngành hàng xuất khẩu.
LỢI THẾ “ĐI SAU”
Ngành thủy sản chế biến xuất khẩu của Tiền Giang phát triển mạnh trong mấy thập niên gần đây và được đánh giá là có tiềm năng phát triển nhanh do có nhiều lợi thế. Nhờ đó, ngành công nghiệp chế biến thủy sản của Tiền Giang nhanh chóng chiếm vị trí đầu bảng trong nhóm các ngành xuất khẩu của tỉnh, với khá nhiều doanh nghiệp có quy mô ra đời.

Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang. Ảnh: CAO THẮNG
Một điều đặc biệt là vào khoảng năm 2010, thủy sản xuất khẩu đứng hàng thứ nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, với kim ngạch mang về khoảng 240 triệu USD trong tổng kim ngạch 495 triệu USD; trong đó xuất khẩu cá tra chiếm khoảng 80%.
Sản phẩm của các doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là cá tra, xuất khẩu đi nhiều các nước trên thế giới. Tất nhiên, trong thời gian gần đây, tỷ trọng giá trị xuất khẩu của ngành hàng này có phần giảm đi do Tiền Giang gặt hái được thành quả tích cực thông qua thu hút đầu tư, đặc biệt là có nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đến Tiền Giang.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, ngành hàng thủy sản xuất khẩu của Tiền Giang vẫn mang về khoảng 340 triệu USD trong tổng số khoảng 6,5 tỷ USD toàn tỉnh. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng, hiện cũng có mặt ở khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Sự lớn mạnh của ngành thủy sản xuất khẩu của cả nước nói chung, Tiền Giang nói riêng một phần cũng được đánh giá ở khía cạnh đầu tư, đổi mới công nghệ hiện đại. Ngành chế biến thủy sản xuất khẩu của Tiền Giang tuy phát triển sau một số tỉnh, thành nhưng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp đã đứng tốp cao, chỉ sau một số tỉnh có lợi thế phát triển trước như: Cà Mau, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp.
Đánh giá chung cho thấy, hầu hết quy mô sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nằm ở mức trung, chẳng hạn như: Công ty cổ phần Gò Đàng, Công ty TNHH Đại Thành, Công ty cổ phần Ngọc Xuân, Công ty TNHH Ngọc Hà, Công ty TNHH Vinh Quang, Công ty TNHH Thiên Hà…
Nhìn ở khía cạnh khác, nhờ lợi thế đi sau nên công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp tương đối hiện đại. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng đánh giá, công nghệ chế biến thủy sản của Việt Nam nói chung đang nằm ở tốp 10 thế giới của những nước xuất khẩu thủy sản.
Đối với khu vực châu Á, Việt Nam đứng hàng thứ nhì sau Thái Lan. Trên địa bàn tỉnh, công nghệ chế biến thủy sản của các doanh nghiệp cũng nằm ở mức khá cao, đáp ứng tốt các yêu cầu xuất khẩu, kể cả các thị trường khó tính nhất.
“Đầu tư vào công nghệ chế biến là một trong những thước đo cạnh tranh quan trọng hiện tại. Điều này xuất phát từ thực tế nhu cầu tiêu dùng của các thị trường ngày càng đòi hỏi khắc khe hơn về các tiêu chuẩn kỹ thuật, trong khi đó trong nước lại có nhiều doanh nghiệp mới được mở ra. Bởi thực tế cho thấy, công nghệ chế biến thủy sản sau khoảng 5 năm bắt đầu bị hao mòn, xuống cấp, chưa kể bị hao mòn vô hình (do lỗi thời).
Dây chuyền công nghệ lạc hậu sẽ tạo tỷ lệ tiêu hao điện năng và tiêu hao sản phẩm tương đối lớn, nên phải nâng cấp nhưng hầu hết là phải thay mới. Chi phí thay đổi công nghệ nằm trong cơ cấu giá thành khoảng từ 15% - 20% hằng năm. Đối với doanh nghiệp có vốn tích lũy lớn nên mạnh dạn đầu tư, còn đối với các doanh nghiệp nhỏ tương đối khó khăn hơn nên hiệu quả không cao”- ông Nguyễn Văn Đạo nhận định.
CHÚ TRỌNG CHẤT LƯỢNG
Bên cạnh mặt hàng thủy sản chế biến, gạo cũng là nhóm hàng chủ lực, mang về kim ngạch xuất khẩu lớn cho tỉnh; bởi Tiền Giang có nhiều doanh nghiệp lau bóng, xuất khẩu gạo đóng trên địa bàn. Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho biết, Tiền Giang hiện có khoảng 500 doanh nghiệp xay xát, chế biến lúa - gạo tiêu dùng và xuất khẩu, tập trung tại các huyện, thị vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp phía Tây của tỉnh.

Công nghệ chế biến thủy sản xuất khẩu không ngừng được đầu tư.
Theo đó, Tiền Giang hiện có khoảng 20 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo đã đầu tư dây chuyền tự động hóa từ phơi sấy, phân loại, đánh bóng, tách màu, chọn hạt đến đóng gói sản phẩm, giúp nâng cao chất lượng hàng hóa đưa ra thị trường, như: Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty TNHH Việt Hưng, Công ty TNHH TMDV Đạt Đức Thịnh, Công ty TNHH Lương thực Đắc Thành…. Mỗi năm gần đây, gạo xuất khẩu mang về xấp xỉ 100 triệu USD và được xuất sang 20 thị trường.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, đổi mới công nghệ là một trong những bước đi chiến lược. Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) là một trong những đơn vị điển hình. Thực tiễn cho thấy, từ nhiều năm qua, Tigifood đã tính toán đến chiến lược đổi mới công nghệ trong các khâu như lau bóng, tách màu, đóng gói, xây dựng thương hiệu… Đồng thời, Tigifood cũng đã tập trung thay đổi cơ cấu xuất khẩu gạo, tăng tỷ trọng nhóm gạo chất lượng cao, bao gồm cả gạo cao cấp, gạo thơm, gạo đặc sản, nếp.
Với ưu thế gạo được sản xuất, chế biến trên dây chuyền sản xuất tiên tiến, có hệ thống tách màu điện tử, phù hợp với vệ sinh an toàn thực phẩm, nên nhiều nhãn hiệu gạo của Tigifood được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Những năm qua, Tigifood luôn xác định mục tiêu “Chất lượng và uy tín” làm phương châm trong kinh doanh thông qua việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008, nên giá trị sản phẩm đã được gia tăng. Nhờ đầu tư đổi mới công nghệ nên những năm qua sản phẩm gạo thơm, gạo đặc sản chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu sản phẩm bán ra của Tigifood.
Các sản phẩm gạo của Tigifood cũng đạt rất nhiều giải thưởng về chất lượng hàng hóa và được tiêu thụ trong nước cũng như củng cố vị trí vững chắc tại nhiều nước, gồm các thị trường khó tính: Châu Âu, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc)…
Tigifood cũng đã tập trung đầu tư máy móc, kỹ thuật cũng như phương tiện sản xuất theo công nghệ hiện đại để tạo ra những dòng sản phẩm có chất lượng cao, nhãn hiệu rõ ràng theo công bố tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Từ thị trường xuất khẩu ban đầu tập trung ở châu Á và hiện nay Tigifood đã mở rộng thị trường ở châu Mỹ, châu Âu…
Trong chặng đường sắp tới, đối với gạo xuất khẩu, công ty sẽ chú trọng hơn vào gạo thơm chất lượng cao, gạo đặc sản, gạo an toàn. Tham luận tại Hội thảo khoa học Nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu lúa - gạo do UBND tỉnh tổ chức gần đây, lãnh đạo Tigifood cho rằng, công ty xác định, để duy trì và nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo trong tình hình hiện nay không nên chạy theo số lượng, mà chú ý đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng giá trị; đồng thời, chú ý khai thác các thị trường mới, nhất là các thị trường tiêu thụ gạo chất lượng cao.
Ở nhóm ngành rau quả xuất khẩu, thời gian qua Tiền Giang cũng đã thu hút nhiều doanh nghiệp được đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại. Điểm nhấn là Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang đã triển khai Dự án Nhà máy chế biến trái cây tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, đưa vào vận hành chính thức vào đầu tháng 10-2021, dây chuyền chế biến rau quả cấp đông với công suất 150 tấn nguyên liệu/ngày, chủ yếu sử dụng các loại trái cây chủ lực của tỉnh như thanh long, xoài, mít, chuối…
Trong năm 2022, công ty tiếp tục đưa vào vận hành dây chuyền chế biến sản phẩm từ dừa có công suất 300.000 trái/ngày đêm, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến của tỉnh.
Tập trung đầu tư công nghệ sản xuất được các doanh nghiệp chú trọng đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Không chỉ đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Gang còn chú trọng xây dựng thương hiệu nhằm quảng bá hình ảnh sản phẩm.
THẾ ANH
(còn tiếp)