Đổi mới công tác dân vận chính quyền theo hướng 'trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân'
Bài 2 - Hướng tới chính quyền phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân (HBĐT) - Công tác dân vận (CTDV) trong hệ thống chính trị là 1 trong 15 chương trình hành động của Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với mục tiêu tiếp tục tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với CTDV trong tình hình mới. Trên tinh thần đó, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Đối với công tác dân vận chính quyền (DVCQ) phải hướng tới mục tiêu phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Your browser does not support the audio element.
Thường trực Huyện ủy Kim Bôi nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả rất quan trọng của công tác DVCQ, BTV Tỉnh ủy đã thẳng thắn đánh giá: Công tác tuyên truyền, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CTDV trong một số cơ quan Nhà nước (CQNN) chưa được quan tâm thực hiện. Một số cán bộ, công chức còn vi phạm kỷ cương, kỷ luật hành chính, vi phạm pháp luật. Việc tiếp công dân, tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu CQNN với Nhân dân có nơi chưa được quan tâm đúng mức; công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư còn chậm, lúng túng; việc đôn đốc giải quyết các kết luận sau thanh tra chưa triệt để. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu. Những yếu kém này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, bứt phá của tỉnh.
Đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cho rằng: Qua giám sát cho thấy, một số cấp ủy, chính quyền cấp xã còn xa dân, tiếp xúc, đối thoại, giải quyết kiến nghị, đề xuất chính đáng của người dân còn hình thức và không hiệu quả, thực tế này dẫn đến những khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp đáng lý có thể xử lý ngay ở cơ sở. Có dự án mới được cấp chủ trương nghiên cứu đầu tư, cán bộ đã "nhanh chóng” thu mua đất… Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng cho rằng: Cải cách hành chính (CCHC), môi trường kinh doanh dù có những cải thiện, song vẫn còn chậm, gặp nhiều vướng mắc trong cơ chế phối hợp xin ý kiến, ách tắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB), hầu hết các dự án trong và ngoài ngân sách tiến độ GPMB đều chậm so với yêu cầu. Từ chủ trương đến hiện thực, các chỉ đạo về cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế phát triển còn một khoảng cách dài… Thực tế trên đặt ra những yêu mới cho công tác DVCQ của tỉnh.
Bám sát định hướng của Đảng, nghị quyết, Chương trình hành động thực thiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan đang tham mưu hoàn thiện các giải pháp cụ thể, để tăng cường vai trò của các cấp ủy Đảng trong triển khai thực hiện các văn bản của T.Ư, của tỉnh về CTDV đã đề ra tại Chỉ thị số 43-CT/TU. Trong đó có một số giải pháp trọng tâm, đó là: Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về vai trò, vị trí của CTDV trong tình hình mới. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện CTDV gắn với thực hiện Nghị quyết hội nghị BCH T.Ư về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án và các giải pháp cụ thể tiếp tục thực hiện CCHC giai đoạn 2021 - 2030, đặc biệt là TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Sử dụng tối đa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong các TTHC, thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, thực hiện lưu giữ, kết nối và chia sẻ; giảm tối đa thời gian chờ đợi của người dân khi đến thực hiện TTHC. Đổi mới phương pháp đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của CQNN. Tăng cường sự lãnh đạo trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức; rèn luyện đạo đức, văn hóa công sở, thực hiện chuẩn mực giao tiếp ứng xử, "4 xin”, "4 luôn”, nhất là đối với công chức, viên chức tại nơi thực hiện các dịch vụ công.
Xem xét bổ sung việc thực hiện CTDV của cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp vào tiêu chí xếp loại thi đua, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng năm. Thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân; tổ chức đối thoại trực tiếp với Nhân dân, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc của Nhân dân, chú trọng đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính, không để khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài.
Cấp ủy, tổ chức Đảng, CQNN các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, quyết định, quy định, đề án của T.Ư, của Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục phát động sâu rộng phong trào thi đua "Dân vận khéo” trong các CQNN gắn với "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và nhiệm vụ chuyên môn của từng ngành, từng cấp; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ CTDV; nhân rộng, lan tỏa những mô hình điển hình về CTDV. CQNN, chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa HĐND, UBND các cấp, các CQNN với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Phát huy vai trò của người đứng đầu trong tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe những kiến nghị, bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, doanh nghiệp. Tăng cường thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho Nhân dân.