Đổi mới công tác dân vận ở các huyện miền núi

Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phong trào 'Dân vận khéo' được cấp ủy, chính quyền các huyện miền núi nhân rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, củng cố khối đoàn kết dân tộc.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 2, xã Trà Giang (Trà Bồng) Hồ Văn Danh cho biết, trước đây, người dân trong thôn nuôi trâu, bò thường thả rông trong rừng nên hiệu quả không cao. Để thay đổi tập quán chăn nuôi, thôn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân trồng cỏ voi làm thức ăn cho trâu, bò. “Qua một thời gian, người dân thấy việc trồng cỏ voi ít tốn kém, khi cần có thể tranh thủ cắt cỏ lúc sáng sớm, buổi trưa hoặc chiều tối rất thuận lợi. Trâu, bò ăn cỏ voi, phát triển nhanh, lại không phải thả rông nên ít bị bệnh. Nhờ đó, chất lượng đàn trâu, bò được nâng lên”, ông Danh nói.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 2, xã Trà Giang (Trà Bồng) Hồ Văn Danh (bên phải) vận động người dân trồng cỏ nuôi gia súc.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 2, xã Trà Giang (Trà Bồng) Hồ Văn Danh (bên phải) vận động người dân trồng cỏ nuôi gia súc.

Theo Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Nguyễn Văn Dũng, xác định việc tăng cường, đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác này. Nhờ đó, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ngành và cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của công tác dân vận được nâng lên. Từ năm 2020 đến nay, các cấp ủy đã xây dựng hơn 100 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Các mô hình hoạt động hiệu quả đã góp phần tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tại huyện Ba Tơ, các mô hình “Dân vận khéo” được cấp ủy các cấp triển khai hiệu quả đã góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Phong trào “Dân vận khéo” đã giải quyết nhiều vấn đề gây bức xúc trong nhân dân. Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ cho hay, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, các cấp ủy trên địa bàn huyện đã đăng ký thực hiện 181 mô hình “Dân vận khéo”; trong đó, có 60 mô hình được Ban Thường vụ Huyện ủy công nhận. Công tác “Dân vận khéo” đã tạo sự đồng thuận giữa chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quần chúng nhân dân, tạo ra hiệu ứng xã hội tốt, được sự ủng hộ của toàn xã hội. Các cấp ủy đảng và chính quyền, cùng đoàn thể ở địa phương thật sự là chỗ dựa tin cậy của nhân dân.

Cùng với đó, việc các cấp ủy, chính quyền các cấp ở các huyện miền núi thực hiện có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã phát huy được sức mạnh của nhân dân tham gia giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề liên quan đến người dân tại cơ sở. Một số nội dung được triển khai hiệu quả như: Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đền ơn đáp nghĩa; xây dựng nông thôn mới; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân... Nhờ đó, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương vững mạnh.

Bài, ảnh: BÁ SƠN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202501/doi-moi-cong-tac-dan-vano-cac-huyen-mien-nui-2210eb4/