Đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, trình độ dân trí được nâng lên, các hủ tục, tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ... Đó là những kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mai Sơn.
Huyện Mai Sơn có 6 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 76,5%. Xác định rõ công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, những năm qua, huyện Mai Sơn đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác dân vận theo phương châm hướng mạnh về cơ sở. Theo đó, để thực hiện hiệu quả công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, huyện Mai Sơn đã cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, như: Chương trình 135; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ nhà ở và triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với người dân để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, qua đó, kịp thời phát hiện những bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Tăng cường các buổi tuyên truyền các nội dung chuyên đề liên quan trực tiếp đến đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Không tái trồng cây thuốc phiện, không mua bán tàng trữ trái phép chất ma túy, không di cư tự do; nhiệm vụ bảo vệ môi trường và tài nguyên rừng...
Cùng với việc tăng cường công tác dân vận, huyện Mai Sơn đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. 5 năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các cấp chính quyền trên địa bàn huyện đã vận động người dân chuyển đổi gần 8.500 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm; giá trị sản xuất tăng bình quân 9,67%/năm. Đồng thời, với việc lồng ghép các nguồn lực đầu tư, giai đoạn 2016-2020, huyện Mai Sơn đã huy động được gần 73 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, nước sinh hoạt; duy tu, bảo dưỡng 62 công trình với kinh phí hơn 3,7 tỷ đồng; huy động gần 30 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 3.650 hộ dân phát triển sản xuất; đào tạo, chuyển giao hướng nghiệp cho 64.971 người, tạo việc làm mới cho trên 2.000 người/năm... Qua đó, đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng cao, biên giới đã biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, năng suất lao động được tăng lên, sản xuất gắn với thị trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế và giao lưu hàng hóa, giảm dần khoảng cách phát triển giữa các vùng trên địa bàn huyện. Đến nay, có 6/21 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 15%, trên 95% số hộ được dùng điện lưới quốc gia, 98% số hộ được xem truyền hình, 90,2% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% người DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn được cấp thẻ BHYT; công tác giáo dục, y tế được quan tâm và đạt được nhiều kết quả; văn hóa truyền thống của đồng bào được bảo tồn và phát huy.
Để công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới ngày càng hiệu quả, huyện Mai Sơn tiếp tục xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức dân vận. Đồng thời, chủ động tham mưu, giới thiệu, tạo nguồn cán bộ người dân tộc; tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình triển khai các chương trình, dự án; kịp thời giải quyết những khó khăn bức xúc của người dân.
Lò Thị Dung(Trường Chính trị tỉnh)