Đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên vươn mình

Ngày 25/7, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia 'Đổi mới việc học tập lý luận chính trị (LLCT) trong hệ thống giáo dục quốc dân đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc'.

Các đồng chí: TS Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; TS Nguyễn Thị Kim Chi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trung tướng TS Trần Minh Lệ, Cục Trưởng, Cục Đào tạo, Bộ Công an đồng chủ trì hội thảo.

Các đại biểu chủ trì hội thảo.

Các đại biểu chủ trì hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên LLCT trên cả nước.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, góp phần cung cấp những luận chứng khoa học, thực tiễn về công tác giáo dục LLCT trong hệ thống giáo dục quốc dân trong kỷ nguyên mới, từ đó tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời đề xuất các định hướng, giải pháp tiếp tục chỉ đạo, định hướng đổi mới giáo dục LLCT trong hệ thống giáo dục quốc dân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Thảo luận tại hội thảo, các ý kiến đã thống nhất khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục LLCT trong hệ thống giáo dục quốc dân. Điều này được khẳng định xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Kết luận số 94-KL/TW của Ban Bí thư đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả giáo dục LLCT trong các cơ sở giáo dục quốc dân, tạo sự chuyển biến thực chất về nhận thức chính trị cho học sinh, sinh viên.

Trung tướng, TS Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Đào tạo phát biểu điều hành thảo luận.

Trung tướng, TS Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Đào tạo phát biểu điều hành thảo luận.

Đặc biệt, qua 10 năm thực hiện Kết luận số 94-KL/TW, công tác giáo dục LLCT đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống chương trình và giáo trình LLCT đã được ban hành tương đối đồng bộ, có sự tích hợp giá trị truyền thống, tư tường Hồ Chí Minh và chủ trương, chính sách của Đảng. Tỷ lệ học sinh, sinh viên được tiếp cận với các môn học LLCT ngày càng tăng, nhiều trường đã có sáng kiến đối mới giảng dạy gần lý luận với thực tiễn, đối thoại chính trị với sinh viên. Nhiều mô hình giảng dạy sáng tạo như học tập ngoại khóa, thảo luận chuyên đề, sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội đã bước đầu phát huy hiệu quả trong việc truyền cảm hứng học tập lý luận. Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan cũng đã phát huy hiệu quả. Các tỉnh ủy, thành ủy quan tâm lãnh đạo, cùng hệ thống các trường đóng vai trò trực tiếp triển khai, giảng dạy và giám sát...

TS Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tại hội thảo.

TS Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng đã khái quát 6 vấn đề đặt ra trong công tác giáo dục lý luận chính trị nhằm nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị trong điều kiện mới hiện nay. TS Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng Khoa Giáo dục chính trị, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền trong cơ sở giáo dục thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị. Thiếu tướng, PGS.TS Cao Anh Dũng, Giám đốc Học viện Quốc tế, Bộ Công an đã giới thiệu một phương thức mới, một cách làm mới trong giáo dục lý luận chính trị nhằm phát triển 4 năng lực cơ bản cho người học là: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực giao tiếp và năng lực hợp tác.

TS Trần Văn Lực, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cũng nhấn mạnh, giảng dạy LLCT là nội dung rất quan trọng, Đảng, Nhà nước và các cơ sở giáo dục đang rất quan tâm, đầu tư cho việc nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị cho các giảng viên lý luận chính trị. Tuy nhiên, thời gian qua, trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc, trở ngại, chưa đồng bộ, đặc biệt là nhận thức của lãnh đạo cơ sở giáo dục chưa ngang tầm với sự phát triển chung, chưa đánh giá đúng mức vai trò của người thầy. PGS.TS Nguyễn Hoài Bắc, Giám đốc Học viện công nghệ bưu chính viễn thông cho biết, nhà trường đã số hóa học liệu, tăng cường ứng dụng CNTT vào giảng dạy các môn LLCT.

Trên cơ sở phân tích thực trạng và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, các ý kiến phát biểu tại hội thảo đã đề xuất một số nhóm giải pháp mang tỉnh chiến lược và đột phá, bao gồm: Rà soát, cập nhật nội dung chương trình LLCT theo hướng tích hợp, gần với thực tiễn đất nước và các vấn đề toàn cầu như chuyển đổi số, an ninh phi truyền thống, biển đổi khí hậu, chủ quyền số; đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy người học làm trung tâm, áp dụng công nghệ số, tăng tính tương tác và khả năng phản biện trong học tập; phát triển đội ngũ giảng viên LLCT đáp ứng yêu cầu mới “giỏi lý luận, am hiểu thực tiễn, thành thạo công nghệ và có bản lĩnh chính trị”; thiết lập cơ chế phối hợp thống nhất giữa Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ ngành liên quan và các địa phương trong lãnh đạo thực hiện các chủ trương của Đảng về giáo dục LLCT trong hệ thống giáo dục quốc dân, quản lý nội dung và chất lượng giáo dục LLCT; xây dựng bộ công cụ kiểm định hiệu quả giáo dục LLCT trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương khẳng định: Đổi mới giáo dục LLCT trong hệ thống giáo dục quốc dân không chỉ là yêu cầu khách quan mà là chiến lược lâu dài để xây dựng con người Việt Nam phát triển trong kỷ nguyên mới. Các ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên LLCT đóng góp tại hội thảo sẽ được ghi nhận, tổng hợp, chắt lọc phục vụ xây dựng Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 94 của Ban Bí thư, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chủ trương, định hướng đổi mới công tác giáo dục LLCT trong hệ thống giáo dục quốc dân trong giai đoạn tới.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/doi-moi-cong-tac-giao-duc-ly-luan-chinh-tri-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-trong-ky-nguyen-vuon-minh-i775958/