Đổi mới công tác nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Công tác nghiệp vụ cơ bản (NVCB) của lực lượng CAND nói chung, lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) nói riêng là vấn đề có ý nghĩa căn cốt, bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Trải qua quá trình hoạt động thực tiễn phong phú, qua các giai đoạn cách mạng, các thế hệ lãnh đạo và CBCS CAND đã tổng kết, đúc rút thành lý luận và không ngừng bổ sung, hoàn thiện công tác NVCB phù hợp với đặc điểm của từng thời kỳ.
Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản
Trong 10 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, nhất là xu hướng cách mạng 4.0, hoạt động của các loại tội phạm cũng có sự chuyển hướng mạnh mẽ từ các phương thức “truyền thống” sang ứng dụng công nghệ cao, hoạt động trên không gian mạng, có thể nói trên đời thực có gì, thì trên không gian mạng có cái đó.
Trước sự chuyển hướng này, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nhiều giải pháp công tác để chủ động nhận diện và đấu tranh, nhất là chuyển hướng điều tra cơ bản theo lĩnh vực xuyên suốt; tăng cường phân công, phân cấp hướng về cơ sở; giao chỉ tiêu, xác định cụ thể về trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo chỉ huy các cấp; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng dữ liệu, phần mềm chuyển đổi trạng thái từ thủ công sang ứng dụng công nghệ hiện đại… Công an các đơn vị, địa phương đã tiếp cận nhanh với tình hình, chủ động phát hiện, làm rõ các vụ án tội phạm “truyền thống” kết hợp với sử dụng công nghệ cao, cũng như các vụ sử dụng công nghệ cao phạm tội, nhất là các đường dây cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng, hoạt động “tín dụng đen” qua mạng, các hành vi lừa đảo qua mạng, thậm chí các hoạt động tinh vi như sử dụng trạm BTS giả, sử dụng công nghệ Deepfake để lừa đảo đều bị phát hiện, xử lý và cảnh báo kịp thời…
Từ thực tiễn sinh động đó, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo Bộ phụ trách đã chỉ đạo tổng kết thực tiễn và ban hành Chỉ thị số 06 ngày 14/11/2023 về đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác NVCB của lực lượng CSND kèm theo các Thông tư và hướng dẫn về công tác này. Trong đó, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương cần quán triệt thống nhất nhận thức trong toàn lực lượng về vị trí, vai trò của công tác NVCB trong tình hình mới, trên cơ sở nhận thức sâu sắc mối quan hệ giữa các biện pháp “truyền thống” và “hiện đại”, khẳng định rõ NVCB là “món đòn nhà nghề” của lực lượng CAND, phải được thực hiện kiên trì, thường xuyên như “cơm ăn, áo mặc hàng ngày”, dù khoa học, công nghệ phát triển đến đâu thì yếu tố con người vẫn là quyết định, phải kết hợp hài hòa, hợp lý mối quan hệ phối hợp, bổ trợ lẫn nhau, tránh khuynh hướng tuyệt đối hóa hoặc lạm dụng công nghệ - kỹ thuật để thay thế các biện pháp NVCB.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng nhấn mạnh phải nhận thức đầy đủ mối quan hệ giữa “không gian mạng” và “đời thực” trong hoạt động của tội phạm, khẳng định đối tượng hoạt động đến đâu thì công tác nghiệp vụ phải vươn được đến đó, “không đi sau tội phạm”; nhận thức đầy đủ yêu cầu kết hợp giữa trinh sát và điều tra trong hoạt động của cơ quan CSĐT các cấp, bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và đấu tranh tấn công, trấn áp tội phạm… Trên cơ sở quán triệt nhận thức sâu sắc những vấn đề nêu trên, cần phân công, phân cấp rõ ràng, rành mạch và tăng cường quan hệ phối hợp giữa các lực lượng thực hiện các mặt công tác NVCB; đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác NVCB bảo đảm chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, kết nối chia sẻ dữ liệu nghiệp vụ, chuyển đổi trạng thái thực hiện các mặt công tác NVCB từ “truyền thống” sang “hiện đại”...
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác lấy lời khai, hỏi cung bị can
Công tác lấy lời khai, hỏi cung bị can vừa là một hoạt động tố tụng hình sự vừa là hoạt động mang tính nghiệp vụ của lực lượng Công an. Năm 1971, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Chỉ thị 544 và bản chế độ công tác xét hỏi bị can đầu tiên. Đây là cơ sở quan trọng để cán bộ làm công tác chấp pháp lúc bấy giờ thực hiện công tác xét hỏi, đồng thời cũng là nền móng để hoàn thiện lý luận và các phương pháp, chiến thuật hỏi cung bị can sau này. Trải qua quá trình thực tiễn công tác, các phương pháp, chiến thuật hỏi cung bị can đã được vận dụng nhuần nhuyễn, góp phần quan trọng điều tra xử lý các vụ án. Trong nhiều trường hợp, việc hỏi cung bị can là yếu tố quyết định làm rõ bản chất vụ án, được nâng lên thành “nghệ thuật hỏi cung bị can”.
Từ kết quả tổng kết, ngày 14/11/2023, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị 07 với 6 nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lấy lời khai, hỏi cung bị can trong tình hình hiện nay; đồng thời có Quyết định ban hành hướng dẫn thực hiện công tác lấy lời khai, hỏi cung bị can. Trong đó, chúng ta tiếp tục khẳng định và bổ sung, phát triển các chiến thuật lấy lời khai, hỏi cung bị can cho phù hợp với tình hình mới, cùng với nhiều chỉ dẫn nghiệp vụ đối với các trường hợp cụ thể…
Tại Hội nghị tổng kết thực tiễn và quán triệt triển khai các quy định mới ngày 15/11/2023, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương phải quán triệt, vận dụng linh hoạt các chiến thuật lấy lời khai, hỏi cung bị can, bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và phát huy tính nhân văn trong hoạt động điều tra. Đặc biệt, yêu cầu có tính nguyên tắc là phải chấp hành nghiêm pháp luật trong công tác này, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức, thực hiện có hiệu quả quy định về ghi âm, ghi hình hỏi cung bị can, các nguyên tắc “suy đoán vô tội”, “quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình” trong hoạt động tố tụng hình sự…
Chuyển trạng thái mới trong đấu tranh phòng, chống tội phạm
Cùng với việc tổng kết thực tiễn, ban hành các chỉ thị, quy định về công tác NVCB, công tác lấy lời khai, hỏi cung bị can, lãnh đạo Bộ Công an cũng chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để chuyển đổi trạng thái các mặt công tác nghiệp vụ từ “truyền thống” sang “hiện đại”. Trong đó, đã kiện toàn mô hình bên trong các đơn vị, địa phương bảo đảm “tinh, gọn, mạnh” (qua đó đã tiếp tục tinh giản hơn 300 đơn vị cấp Phòng, hơn 1.300 đơn vị cấp Đội), riêng Cơ quan CSĐT được tiếp tục kiện toàn theo hướng có sự kết hợp chặt chẽ giữa điều tra và trinh sát, bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Đồng thời, cũng đã phân công, phân cấp nghiệp vụ hướng mạnh về cơ sở, củng cố toàn diện Công an cấp xã đáp ứng yêu cầu giải quyết tình hình ngay từ khi mới phát sinh. Tập trung xây dựng các phần mềm nghiệp vụ có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu; tham mưu với Chính phủ thực hiện có hiệu quả Đề án 06 về “Đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” với 5 nhóm tiện ích cụ thể, đồng thời tích cực số hóa, xây dựng, tạo lập dữ liệu, gắn với xây dựng các Trung tâm dữ liệu lớn góp phần nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.
Cũng tại Hội nghị tổng kết thực tiễn và quán triệt, triển khai các quy định mới về công tác NVCB, lấy lời khai, hỏi cung bị can ngày 15/11/2023, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương nhận thức đầy đủ, quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Bộ bảo đảm CBCS Công an tại 4 cấp nắm vững các quy định mới và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh “Phải phát huy trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu Công an các đơn vị, địa phương phải thực sự tâm huyết, trăn trở với công tác này, phải nêu gương trực tiếp thực hiện và kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc cấp dưới theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng; qua đó kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế để hướng dẫn và đề xuất các giải pháp phù hợp…”.
Lãnh đạo Bộ cũng khẳng định, từ những nền tảng đã được tạo lập trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát đang bước vào giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi trạng thái công tác, hiện đại hóa các mặt công tác nghiệp vụ, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.