Đổi mới công tác thống kê phù hợp với bối cảnh mới
Trong bối cảnh mới, đặc biệt là sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số và sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Chiều ngày 15/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.
Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Thống kê được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23/11/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016. Sau 05 năm thực hiện, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực đối với công tác thống kê.
Luật Thống kê gồm 09 chương, 72 điều và 01 Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. Đến nay, các điều theo quy định của Luật Thống kê vẫn giữ nguyên giá trị, phù hợp với các quy định hiện hành, không cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Trong khi đó, Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê gồm 20 nhóm với 186 chỉ tiêu.
“Trong bối cảnh mới, đặc biệt là sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số và sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Nhằm cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước phục vụ Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô; đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê quốc gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế thì việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê là cần thiết.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, so với danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13, danh mục chỉ tiêu lần này có một số thay đổi. Theo đó, sửa tên nhóm chỉ tiêu “07. Tiền tệ và bảo hiểm” sửa tên thành “07. Tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán”; nhóm “11. Giá cả” sửa tên thành “11. Chỉ số giá”. Dự thảo Luật giữ nguyên 134 chỉ tiêu do vẫn còn phù hợp với tình hình thực tế, sửa tên 41 chỉ tiêu; bổ sung 40 chỉ tiêu và bỏ 11 chỉ tiêu do không còn phù hợp với thực tế, không bảo đảm tính khả thi hoặc đã có trong nội dung của chỉ tiêu khác.
Các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, qua 5 năm thi hành Luật Thống kê đã phát sinh nhiều vấn đề đòi hỏi phải đổi mới công tác thống kê. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn nên công tác thống kê, chỉ tiêu thống kê cần phải tương thích, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng thời, diễn biến của đời sống kinh tế - xã hội nhanh hơn, phong phú hơn nên cần có thông tin kịp thời hơn để phục vụ quản lý, điều hành, đặc biệt phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải thay đổi phương thức hoạt động thống kê. Đặc biệt là sửa hệ thống chỉ tiêu thống kê, thay đổi phương pháp tính, cách thức thu thập số liệu, công bố thông tin và cần ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng công nghệ số trong hoạt động thống kê.
Chia sẻ lý do cần sửa đổi Luật Thống kê, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, Luật Thống kê hiện hành chưa có quy định rõ về chế độ kiểm toán nhà nước đối với thống kê nhà nước và kiểm toán đối với các dịch vụ thống kê ngoài nhà nước, chế độ giám sát của Quốc hội về số liệu thống kê quốc gia để bảo đảm tính minh bạch, công khai.
Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về dịch vụ thống kê, hoạt động thống kê và sử dụng thống kê, thông tin thống kê ngoài hệ thống thống kê nhà nước; chưa có cơ chế nhà nước đặt hàng cho các tổ chức mà do Đảng, Nhà nước thành lập như Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Liên minh Hợp tác xã và giao nhiệm vụ thực hiện thống kê; cơ quan nhà nước chưa phát triển dịch vụ thống kê và cung cấp thông tin thống kê.
Ngoài ra, chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan thống kê Trung ương, của Tổng cục thống kê và Cục thống kê địa phương; trách nhiệm phối hợp của cơ quan thống kê, bộ, ngành liên quan đến việc cung cấp các thông tin thống kê trọng yếu; điều chỉnh các chỉ tiêu thống kê. Trong phụ lục thống kê cũng chưa có chỉ tiêu nào phản ánh liên kết vùng, kinh tế vùng, kinh tế ngành; chưa có cơ quan chịu trách nhiệm chính thực hiện tính toán nội dung này.
Hơn nữa, điều tra thống kê trong điều kiện công nghệ thông tin và khoa học phát triển như vũ bão mà thống kê trong nước vẫn sử dụng phương pháp điều tra, điều tra mẫu, tạm tính… dẫn đến tính trạng số liệu thống kê không thống nhất, có sai số. Trong khi đã có cơ sở dữ liệu như về dữ liệu dân cư, số liệu xuất nhập khẩu, thuế được cập nhật đầy đủ, thường xuyên, liên tục.