Đổi mới công tác tuyên truyền góp phần phòng ngừa tội phạm
Với quyết tâm kéo giảm 5% tội phạm về trật tự xã hội và giải quyết dứt điểm các điểm phức tạp về an ninh trật tự, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng công an toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, lực lượng công an chú trọng đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, góp phần phòng ngừa cũng như kiềm chế sự phát sinh và hoạt động của các loại tội phạm.
Công an huyện Đakrông được ghi nhận là một trong những đơn vị tổ chức hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến với bà con nhân dân.
Đặc biệt vào thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Công an các xã thuộc huyện Đakrông đã tăng cường bám địa bàn, nắm tình hình, tổ chức các buổi họp dân, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Cảnh báo cho người dân về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; thông tin về tình hình hoạt động của tội phạm ma túy, hình sự, mua bán hàng hóa nhập lậu. Tuyên truyền, vận động bà con nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, phát hiện, tố giác tội phạm, không tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ...
Với phương châm “vận động mềm dẻo, xử lý kiên quyết”, Công an huyện Đakrông đã tổ chức 127 lượt tuyên truyền tại 93 điểm dân cư và 34 trường học với hơn 14.800 lượt người tham gia; tiến hành gọi hỏi, răn đe 246 đối tượng vi phạm pháp luật; tuyên truyền, vận động Nhân dân, thu hồi 23 khẩu súng các loại, 7 máy kích điện. Số vụ xâm phạm về trật tự xã hội giảm 83% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu báo cáo của Ban chỉ đạo 138 tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã điều tra, làm rõ 186 vụ xâm phạm về trật tự xã hội, bắt xử lý 395 đối tượng; phát hiện 326 vụ/335 đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; bắt giữ 150 vụ/206 đối tượng phạm tội về ma túy; phát hiện 50 vụ/4 tổ chức và 51 cá nhân vi phạm khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép; phát hiện 24 vụ sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi xâm phạm trật tự xã hội...
Những số liệu này minh chứng cho sự nỗ lực, quyết tâm của lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, mặt khác cũng phản ánh được tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đối với một số mặt của đời sống xã hội.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác tuyên truyền, phòng ngừa, cảnh báo tội phạm còn hạn chế.
Một số địa bàn cơ sở chưa coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với từng nhóm đối tượng chưa được xác định rõ để tập trung đẩy mạnh, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em, người dưới 18 tuổi sau khi chấp hành xong án phạt tù có thời hạn trở về địa phương... ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn trọng điểm, phức tạp về tệ nạn xã hội.
Bởi đây là nhóm người có nguy cơ bị lợi dụng, xâm hại cao nên rất cần được trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng ứng phó, cảnh giác với phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm. Đáng lo ngại hiện nay, công tác quản lý mạng xã hội còn nhiều bất cập, một số trang mạng giả danh cơ quan, tổ chức đưa thông tin sai sự thật, tác động vào tâm lý thiếu hiểu biết của người dân để thực hiện các chiêu trò lừa đảo. Thậm chí nhiều trang facebook, fanpage có nội dung hướng dẫn cách thức đặt mua, chế tạo, sử dụng các phương tiện, công cụ nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật.
Chính vì vậy, cùng với công tác đấu tranh quyết liệt với tội phạm và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, công tác chủ động phòng ngừa là một biện pháp quan trọng. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, lực lượng công an các cấp tiếp tục phát huy vai trò chủ trì tham mưu, phối hợp xây dựng các nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến quần chúng nhân dân tại khu dân cư, thôn, bản, đơn vị, trường học...
Thông qua công tác tuyên truyền nhằm trang bị kiến thức pháp luật, góp phần làm chuyển biến nhận thức cho mỗi người dân trong việc nhận diện, đấu tranh, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật.
Phối hợp tích cực, chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh việc tuyên truyền theo kiểu “kích thích”, “hướng dẫn” tội phạm, đăng tải quá chi tiết các vụ việc bạo lực, bạo hành, hiện trường vụ án gây hoang mang, bất an, lo lắng trong Nhân dân, hoặc mô tả quá chi tiết về cách thức phạm tội của tội phạm.
Đối với nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên, cần đổi mới tuyên truyền thông qua kết hợp nhiều hình thức như tổ chức phiên tòa giả định, sân khấu hóa, thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến... để từng bước trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa cho học sinh, thanh thiếu niên.
Với hình thức đa dạng kết hợp với đổi mới về nội dung, công tác tuyên truyền pháp luật ở các địa bàn, khu dân cư sẽ từng bước nâng cao về chất lượng, góp phần làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh.