Đổi mới đào tạo ngành biên, phiên dịch để đáp ứng yêu cầu thời đại 4.0
Những năm gần đây, biên, phiên dịch luôn là ngành học được nhiều thí sinh quan tâm bởi cơ hội nghề nghiệp rộng mở từ quá trình hội nhập. Tuy nhiên để sẵn sàng thích ứng trước những yêu cầu mới của thời đại 4.0 thì ngoài kiến thức chuyên môn, các trường đại học ngày càng chú trọng trang bị cho sinh viên kỹ năng tự học.
Dù là một ngành nghề hot khi quá trình hội nhập các quốc gia trên thế giới ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, chỉ một vài năm tới, đây là một trong những nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất khi công nghệ phát triển.
Các phần mềm, công cụ dịch thuật ngày càng hiện đại sẽ đặt ra nhiều thách thức với không chỉ những người đang làm công việc này mà còn với các trường đại học đang đào tạo những phiên dịch viên và biên dịch viên trong tương lai.
Google Translate, Trados, Wordfast, MemoQ... hàng loạt công cụ hỗ trợ dịch thuật ra đời và phát triển nhanh. Công nghệ và phần mềm dịch tự động ngày càng hoàn thiện đồng nghĩa với công việc của người phiên dịch, biên dịch bị thu hẹp.
Các trường đại học lớn dù đã có hơn hàng mấy chục năm đào tạo ngành biên, phiên dịch vẫn đang đứng trước yêu cầu chuyển đổi. Không đi theo một chương trình soạn sẵn mà sinh viên sẽ học dịch theo các tình huống thực tế và thay đổi liên tục.
Bởi trong tương lai khả năng ứng biến trước các tình huống bất ngờ là ưu thế của con người mà máy móc không làm được. Một số trường đã đầu tư trang thiết bị hiện đại và cập nhật những công nghệ tiên tiến nhất cho sinh viên. Phần mềm dịch thuật luôn có trên máy để các em chủ động tra cứu, tham khảo.
Cả nước hiện có hơn 30 trường đại học đào tạo khối ngành biên, phiên dịch. Cạnh tranh đến từ trí tuệ nhân tạo, các phần mềm dịch tự động là điều không tránh được. Vì vậy, ngoài kiến thức chuyên môn, các trường đại học ngày càng chú trọng trang bị cho sinh viên kỹ năng tự học và sẵn sàng thích ứng trước những yêu cầu mới của thời đại 4.0.