Đổi mới dạy và học trên nền tảng ứng dụng công nghệ
Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, điều hành và giảng dạy đã được toàn ngành giáo dục triển khai tích cực, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Trong quá trình triển khai, ứng dụng CNTT vào giảng dạy, không chỉ vai trò tổ chức các tiết dạy, mà cả sự đổi mới của đội ngũ giáo viên cũng đã được khẳng định.
Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, điều hành và giảng dạy đã được toàn ngành giáo dục triển khai tích cực, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Trong quá trình triển khai, ứng dụng CNTT vào giảng dạy, không chỉ vai trò tổ chức các tiết dạy, mà cả sự đổi mới của đội ngũ giáo viên cũng đã được khẳng định.
Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhưng chỉ với một phòng học Tin học được trang bị 20 máy tính và 2 phòng bộ môn có lắp đặt máy chiếu, việc dạy và học trên cơ sở khai thác, ứng dụng CNTT đã được Trường THCS Trung Lương (Bình Lục) thực hiện tích cực, có hiệu quả.
Theo đó, nhà trường đã chủ động xây dựng thời khóa biểu cho các môn học, các khối lớp bảo đảm tính khoa học, phù hợp thực tế và có sự ưu tiên tối đa cho việc triển khai dạy học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6, lớp 7. Các phòng bộ môn được dùng để thực hiện dạy học các môn Khoa học xã hội, Khoa học Tự nhiên và 100% các tiết học tiếng Anh. Riêng phòng học Tin học dành cho việc tổ chức dạy và học môn Tin học bắt buộc đối với lớp 6, lớp 7 theo chương trình mới. Việc bố trí, sắp xếp lịch học, thời khóa biểu được nhà trường chủ trương thực hiện để tất cả các giáo viên bộ môn được sử dụng các thiết bị công nghệ vào giảng dạy và học sinh các khối lớp được tiếp cận với việc học kiến thức, làm quen với các kỹ năng từ các tiết học số hóa.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Lương cho biết: Hiện nay, việc thực hiện xây dựng trường học số, số hóa giáo dục và đào tạo đang được các cấp tập trung triển khai nhằm đáp ứng những yêu cầu đổi mới. Trên thực tế, việc ứng dụng CNTT trong dạy và học có tầm quan trọng và vai trò rất tích cực thúc đẩy năng lực sáng tạo, sự đổi mới của cả người dạy và người học. Đối với giáo viên, từ những ứng dụng tích cực của CNTT đã giúp cho quá trình dạy học linh hoạt hơn rất nhiều khi họ chủ động hoàn toàn về việc cung cấp kiến thức, kỹ năng cho học sinh bằng nhiều hình thức và thoát ly được các bản giáo án giấy khô khan, thay vào đó là các giáo án điện tử, các bài giảng điện tử sinh động, phong phú, hấp dẫn. Bên cạnh đó, các tiết học và các hoạt động giáo dục với sự hỗ trợ của công nghệ được tổ chức thường xuyên cũng giúp cho học sinh có hứng thú với học tập, gia tăng tính sáng tạo cá nhân…
Được biết thêm, để việc ứng dụng CNTT trở thành một nhiệm vụ giáo dục, nhà trường đã lấy đó là một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ, giáo viên. Trong đó, mỗi giáo viên phải thực hiện được ít nhất 10% số tiết học/học kỳ theo hình thức xây dựng bài giảng Powerpoint và khuyến khích các tiết dạy sáng tạo… Đến nay, 100% giáo viên của nhà trường đã đáp ứng tốt các tiêu chí về quản lý, khai thác và ứng dụng CNTT vào giảng dạy.
Hiện nay, ở hầu hết các cơ sở giáo dục đầu tư lắp đặt hoàn chỉnh đường truyền Internet, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các website tại các đơn vị quản lý giáo dục và các trường học. Tại các trường phổ thông, việc xây dựng và tổ chức các tiết học có sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại và kiểm tra đánh giá tích cực, giúp phát huy tối đa tinh thần tự học, sáng tạo và sức mạnh đoàn kết tập thể trong học sinh. Đồng thời, giúp học sinh được hình thành và phát triển các năng lực chung, như: tự học, tự giải quyết vấn đề, sáng tạo, giao tiếp và tương tác cùng các năng lực chuyên biệt của cá nhân. Làm được điều đó, đội ngũ giáo viên đã thực sự sáng tạo, biết làm chủ công nghệ, vận dụng nhiều phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, như: Dạy học dự án, khai thác, sử dụng tư liệu và đồ dùng trực quan, tích hợp kiến thức liên môn, đàm thoại… Việc sử dụng những phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực đã thể hiện việc đổi mới phương pháp dạy học. Cùng với đó, việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy cũng góp phần không nhỏ cho việc phát triển tri giác, kích thích được trí tưởng tượng và sáng tạo của học sinh.
Đặc biệt, với mục tiêu chuyển từ dạy học định hướng nội dung sang tiếp cận phát triển năng lực, phẩm chất cho người học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh phải biết vận dụng các kiến thức sách vở áp dụng vào thực tế. Khi đó, giáo viên phải cung cấp cho học sinh nhiều thông tin khác ngoài cuộc sống và phải đọc, tìm hiểu mới có thể xây dựng được những bài giảng có hình ảnh, dẫn chứng cụ thể. Cùng với sự chủ động, tích cực đổi mới về cả nhận thức, tư duy, phương pháp làm việc của giáo viên trong việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy đã giúp học sinh có được nhiều giờ học thực sự bổ ích.
Có thể khẳng định, việc thực hiện các hoạt động giáo dục dựa trên ứng dụng CNTT hiện đã trở nên phổ biến, nền nếp trong các trường học, cấp học. Giáo viên đã là trung tâm của các mô hình trường học kết nối, phòng họp trực tuyến và là người tham gia trực tiếp vào hàng loạt các hoạt động giáo dục, như: soạn bài trình chiếu, tạo nhóm làm việc trên mạng, hình thức báo cáo trực tuyến… Việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động chuyên môn đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng, bắt buộc phải thực hiện không chỉ của đơn vị, cơ sở giáo dục, mà với mọi giáo viên. Bản thân các giáo viên đã ý thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT nên có sự vào cuộc khá tích cực và chủ động.
Với sự hỗ trợ của các phần mềm giáo dục, đa số giáo viên đã bắt kịp nhanh với việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Không chỉ xây dựng được giáo án theo phương thức giáo án điện tử, nhiều giáo viên đã mạnh dạn đổi mới hình thức lên lớp bằng các bài giảng trình chiếu, mang đến cho học sinh những giờ học hấp dẫn, sinh động. Đồng thời, tạo điều kiện cho cả giáo viên cũng như học sinh được thực hành và tham gia tốt các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, thi khoa học kỹ thuật, các cuộc thi trên mạng dành cho học sinh các cấp học.