Đổi mới để tìm cơ hội mới

Tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa đang diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức được đề cử làm ứng viên tổng thống để tham gia cuộc đua 'song mã' với ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden vào tháng 11 tới. Nhưng đây mới chỉ là 'giấy thông hành' đánh dấu bước khởi đầu trên chặng đua quyền lực hứa hẹn nhiều thử thách phía trước, nhằm tìm kiếm cơ hội tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo này.

Giữa lúc đang phải đối mặt với sự sụt giảm tỷ lệ ủng hộ tại các bang chiến địa do cách thức đối phó đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa được coi là cơ hội để ông Donald Trump “xốc lại” chiến dịch tranh cử cũng như tinh thần để từng bước lấy lại hình ảnh trước các cử tri đang nghiêng về đối thủ theo các kết quả thăm dò gần đây. Vật lộn để điều hành đất nước đối phó với đại dịch khiến ứng viên Đảng Cộng hòa không có nhiều cơ hội để thể hiện trước cử tri, và người ta đang đặt câu hỏi liệu ông Donald Trump có thể tận dụng lần xuất hiện này để xây dựng một chương trình nghị sự thuyết phục hay không?

Tổng thống Donald Trump đã phá vỡ truyền thống của các ứng cử viên trước đây thường phát biểu vào đêm cuối cùng của đại hội khi lên kế hoạch phát biểu trong 4 đêm liên tiếp, với hy vọng “màn trình diễn” của mình sẽ tranh thủ được sự ủng hộ của cử tri. Không ai nghi ngờ kỹ năng diễn thuyết của ông Donald Trump, nhưng điều quan trọng nhất đối với đương kim Tổng thống Mỹ là phải xác định rõ phương hướng của nhiệm kỳ 2 cũng như tầm nhìn cho tương lai, nếu tái đắc cử.

Nhìn lại 4 năm qua, không thể phủ nhận rằng Tổng thống Donald Trump đã nỗ lực thực hiện cam kết tranh cử năm 2016 “nước Mỹ trên hết” khi bằng mọi cách bảo vệ quyền lợi của Mỹ, nhất là các doanh nghiệp Mỹ. Nhưng cũng chính vì theo đuổi mục tiêu này, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã thực hiện nhiều bước đi gây sốc, từ quay lưng với đồng minh, không mặn mà với hợp tác đa phương, cho tới việc từ bỏ các thỏa thuận quốc tế cũng như theo đuổi chính sách bảo hộ gây tranh cãi, khiến uy tín nước Mỹ giảm sút trên trường quốc tế. Đó là chưa kể tới những bê bối liên quan tới đấu đá nội bộ-một góc khuất trong nhiệm kỳ mà những thành tựu kinh tế hay biện pháp cứng rắn với Trung Quốc... vốn được lòng người dân Mỹ, không thể che lấp được.

Vì thế, trong lần tranh cử này, thay vì nhấn mạnh khẩu hiệu “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” như 4 năm về trước, đương kim Tổng thống Mỹ sẽ phải tập trung vào tìm giải pháp cho các vấn đề thiết thực và sát sườn với người dân hơn: Làm sao phục hồi nước Mỹ trước sự tàn phá của đại dịch, hay đơn giản là đưa người dân trở lại làm việc bình thường. Đấy mới chính là đường hướng giúp Tổng thống Donald Trump tiến gần hơn tới cơ hội tái đắc cử nhiệm kỳ 2. Bởi sự thực là sẽ không dễ dàng để thuyết phục một đất nước đang kiệt sức vì dịch bệnh rằng ông xứng đáng tái đắc cử, trong bối cảnh hàng triệu người dân Mỹ đã nhiễm virus SARS-CoV-2, kinh tế suy sụp và căng thẳng sắc tộc đang sục sôi.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa chính là cải thiện tâm lý thất vọng cũng như tâm trạng của người dân Mỹ, khích lệ tinh thần lạc quan hơn ở một quốc gia, nơi mà phần lớn người dân đang phải chịu sắc lệnh yêu cầu ở nhà vì đại dịch và tỷ lệ thất nghiệp vượt quá 10%. Nhưng trước thực trạng không mấy khả quan của nước Mỹ hiện nay, cũng khó có thể mong đợi nhiều vào những ý tưởng mới, mang tính đột phá trong chương trình nghị sự nhiệm kỳ tới, bởi trước tiên Tổng thống Donald Trump còn phải lo giải quyết những hậu quả ngoài mong muốn. Bằng chứng là chiến dịch tranh cử của tổng thống đã công bố bản phác thảo các mục tiêu trong nhiệm kỳ 2, nhưng người ta chưa thấy những điểm mới, gồm: Xóa sổ đại dịch Covid-19, tạo công ăn việc làm, chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, giảm giá thuốc, mở rộng lựa chọn trường học và bảo vệ cảnh sát.

Với những mục tiêu được phác thảo như trên, có vẻ chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ 2 nếu thành hiện thực của Tổng thống Donald Trump cũng chỉ thiên về các cam kết tiếp tục thực hiện lời hứa của ông, thay vì đưa ra những ý tưởng hoàn toàn mới. Thực tế này phản ánh tình thế “cái khó bó cái khôn” của Tổng thống Donald Trump, vì vừa phải bảo đảm sự ủng hộ của những cử tri trung thành và của Đảng Cộng hòa, vừa phải thuyết phục thêm sự ủng hộ mới cũng như những cử tri còn đang dao động bằng những ý tưởng sáng tạo hơn.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TTXVN.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TTXVN.

Vả lại, nếu căn cứ vào cuộc thăm dò gần đây về việc đối phó dịch bệnh của PBS NewsHour/NPR/Marist ngay trong tháng này, với kết quả không không mấy khả quan đối với Tổng thống Donald Trump, không hiểu ông sẽ giành niềm tin của các cử tri bằng cách nào? Trong cuộc thăm dò này, có 53% số người Mỹ được hỏi tin rằng ông Joe Biden sẽ làm tốt hơn công việc ứng phó đại dịch, trong khi chỉ có 37% đánh giá tương tự về đương kim Tổng thống.

Trong lịch sử nước Mỹ, kế hoạch cho nhiệm kỳ 2 của các tổng thống trước đây cũng thường nhấn mạnh việc tiếp tục các chính sách hiện tại và kết hợp với việc đề xuất một ý tưởng mới. Nhưng xem ra đối với Tổng thống Donald Trump, ông cần phải làm nhiều hơn thế để chứng tỏ mình là người xứng đáng ở lại thêm một nhiệm kỳ. Có phân tích cho rằng, nếu ông Donald Trump của năm 2016 là nhân tố bí ẩn với nhiều bất ngờ, Tổng thống Donald Trump của năm 2020 sẽ phải tìm cách thức mới để định nghĩa lại bản thân. Hay nói một cách dễ hiểu hơn, ông Donald Trump cần phải định hình lại các chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ, bằng những quyết sách rõ ràng và nhất quán hơn. Và cùng với thông điệp tranh cử “giữ lời hứa” vẫn được ông nhấn mạnh, trước mắt, ông cần phải định nghĩa về cách thức thực hiện lời hứa trong bối cảnh gian nan hiện nay như thế nào?

Giờ thì người ta trông đợi vào đêm 27-8 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump sẽ nêu ra những ý tưởng mới trong bài phát biểu của mình.

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/doi-moi-de-tim-co-hoi-moi-632744