Đổi mới đồng bộ, toàn diện trên nền tảng văn hóa
Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XII chẳng những đánh giá nhiệm vụ của nhiệm kỳ XI, mà còn đánh giá 30 năm đổi mới, tổng kết thực tiễn, rút ra bài học để xác định phương hướng tiếp tục đổi mới. Do vậy, nhận diện đầy đủ những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong tiến trình 30 năm đổi mới và những nguyên nhân, trước hết là nguyên nhân chủ quan tạo ra những hạn chế, yếu kém ấy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Từ một đất nước lạc hậu, đói nghèo và trở thành một quốc gia có vị thế trên trường quốc tế. Tuy nhiên, khái quát lại vẫn đang tồn tại một số hạn chế như: Sự phát triển mọi mặt, chưa thực sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế; phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế; thể chế pháp lý về kiểm soát quyền lực trong bộ máy nhà nước và thể chế bảo vệ hiến pháp là những vấn đề đang đặt ra; thể chế kinh tế thị trường hiện chưa đầy đủ… Có thể coi những rào cản này là những điểm nghẽn của phát triển, vốn được sinh ra trong quá trình vận động của hệ thống và có thể hình dung một số điểm nghẽn như sau:
Thứ nhất, các thiết chế hệ thống chính trị gồm tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp từ Trung ương xuống cơ sở còn cồng kềnh, nội dung hoạt động còn chồng chéo, nhiều khi rơi vào hình thức, lãng phí nhân lực, ngân sách.
Có lẽ đã đến lúc phải tái cấu trúc phương thức tổ chức lãnh đạo như hiện nay sang cấu trúc Đảng cầm quyền theo hướng đồng bộ và tinh giản bộ máy. Những lĩnh vực có chức năng, nhiệm vụ tham mưu tương ứng với chức năng nhiệm vụ của chính quyền thì có thể từng bước nhất thể hóa. Quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước được nhất thể hóa là điều kiện để đường lối chính trị của Đảng đi nhanh, đi thẳng đến nơi thực thi quyền lực nhà nước. Lúc này trách nhiệm đảng viên - công chức nhà nước, trong đó có người đứng đầu là trách nhiệm trước pháp luật sẽ rõ rệt hơn. Đây là biểu hiện sinh động nhất của Khoản 2 và 3, Điều 4, Hiến pháp 2013. Vì, đó là điều kiện để các cơ quan dân cử và nhân dân kiểm tra, giám sát được việc thực thi pháp luật và kiểm soát quyền lực nhà nước của đảng cầm quyền. Và, đây cũng là phương sách giảm bớt sự cồng kềnh, tốn kém sức người, sức của trong sự vận hành hệ thống Đảng - chính quyền ở tất cả các cấp.
Thứ hai, 30 năm đổi mới, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân. Hồn cốt của các từ: của, do, vì ấy là dân chủ, dân là chủ, dân làm chủ. Mặc dù hoạt động lập pháp chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, nhưng 30 năm qua công tác lập pháp đã có bước tiến dài. Hoạt động lập pháp và vai trò giám sát của Quốc hội đã có nhiều khởi sắc, dân chủ trong sinh hoạt nghị trường có nhiều tiến bộ. Bầu không khí dân chủ từ nghị trường Quốc hội đã lan tỏa xuống nghị trường hội đồng nhân dân các cấp và toàn xã hội. Đó là văn hóa lập pháp và giám sát của các cơ quan dân cử. Thế nhưng, cái chưa được lại là vấn đề giám sát thực thi pháp luật, kiểm soát quyền lực chưa hiệu quả.
Thứ ba, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được Đảng ta xác định trong thời kỳ đổi mới. Xét đến cùng, kinh tế thị trường trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội hay kinh tế thị trường trong chủ nghĩa tư bản đều phải vận động theo quy luật thị trường. Có chăng là mục tiêu xã hội và phân phối lợi ích xã hội khác nhau. Dự thảo báo cáo chính trị cũng khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”. Nước ta đang và sẽ tăng cường hội nhập với các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới, tức là ta chấp nhận sân chơi, luật chơi của các nền kinh tế thị trường tư bản.
So với thể chế kinh tế thị trường của nhiều nước trên thế giới, thể chế kinh tế thị trường của ta còn mới mẻ, phát triển chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, đang trong quá trình vừa dò dẫm đi, có khi vừa do dự nên chậm so với yêu cầu. Thêm vào đó, cung cách làm ăn của không ít doanh nghiệp nhỏ, vừa còn mang tính chụp giật, chưa thực thi nghiêm chỉnh trách nhiệm xã hội với người tiêu dùng, người lao động, nhà nước, môi trường; công nghệ lạc hậu, năng lực cạnh tranh yếu dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đứng vững trên thị trường quốc tế. Khu vực kinh tế tư nhân còn yếu kém về quy mô, công nghệ lại chưa thực sự được bình đẳng khi tiếp cận các nguồn lực… Cho nên phải tiếp tục hoạch định chính sách theo hướng kinh tế thị trường hoàn thiện, hoàn chỉnh, trong đó nhìn ra ngoài để học tập là nhanh nhất. Đó là những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế.
Phải chăng, mấu chốt đổi mới thể chế kinh tế bắt đầu từ tái cấu trúc quản lý nhà nước sang cấu trúc phục vụ triệt để hơn và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế, chính sách vừa hỗ trợ nguồn lực khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực lành nghề, vừa tạo chuỗi liên kết của các chủ thể kinh tế khác nhau.
Thứ tư, tài sản vô giá mà cha ông ta từ ngàn xưa để lại là văn hóa, đó là kết quả sáng tạo của nhiều thế hệ người Việt Nam nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội. Sức sống văn hóa đã hun đúc thành sức mạnh dân tộc để hóa giải sự đồng hóa của kẻ đô hộ và đánh bại mọi kẻ thù xâm lược; được bồi đắp, giữ gìn và nhân lên qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Nay, nét văn hóa dân tộc đậm sâu này cần được phát huy, kết hợp với tinh thần thực hành dân chủ để phát triển nước nhà. Văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu, vừa là nguồn lực nội sinh xây dựng con người và xã hội tiến bộ. Phát triển nội lực quốc gia không thể thiếu động lực văn hóa.
Chủ thể sáng tạo, bồi đắp và phát huy giá trị nội sinh này, trước hết là con người, con người văn hóa. Thiên hướng tư duy của con người là sáng tạo để hành động theo thước đo cái đẹp. Thời đại công nghệ thông tin hiện nay phản ánh văn minh trí tuệ bởi sáng tạo của con người và trở thành xu thế chính của triết lý sống. Đất nước đang phấn đấu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại và chỉ có thể thành công khi biết bồi đắp, dựng xây nền văn minh trí tuệ, trước hết phải có những con người như những chủ thể sáng tạo văn hóa ở tầm văn minh trí tuệ.
Chủ thể sáng tạo là con người, nhưng con người cần phải như thế nào và cần môi trường xã hội ra sao để có thể trở thành chủ thể sáng tạo đúng nghĩa? Chiến lược phát triển con người cũng bắt đầu từ đánh giá hết, trúng, đúng cái được, cái khiếm khuyết của con người cũng như môi trường sống trong thời kỳ đổi mới.
Môi trường sống hôm nay hiện còn tồn nhiều bức xúc: không ít người lớn không còn là tấm gương cho thế hệ trẻ; có người đang tâm gỡ bỏ “nhiễu điều” trên “giá gương”; một bộ phận công bộc của dân quay lưng lại với dân, với nước; những mảng đen trong nhân phẩm một bộ phận con người đang gây nhiều hệ lụy cho nền tảng đạo đức xã hội. Đó là những điểm nghẽn trong văn hóa.
Từ những vấn đề nêu trên có thể nhận thấy:
- Tiến trình Cách mạng Việt Nam không tách rời sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) đến nay, Đảng thực thi vai trò cầm quyền qua các phương thức lãnh đạo và giành nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và công cuộc đổi mới. Nay, chặng đường 30 năm đổi mới đang thôi thúc sự đổi mới đồng bộ, toàn diện, sâu sắc hơn đáp ứng sứ mệnh cầm quyền của Đảng.
- Nhiều thể chế còn dang dở, chưa hoàn thiện, do đó, đổi mới bộ máy các thiết chế hệ thống chính trị phải gắn liền với hoàn thiện các thể chế của Nhà nước pháp quyền, thể chế dân chủ về giám sát, phản biện của nhân dân trong điều kiện một đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội.
- Không chỉ phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa, mà xây dựng Đảng cũng cần dựa trên nền tảng văn hóa - văn hóa dân tộc và văn hóa sinh hoạt đảng.
Cốt lõi văn hóa sinh hoạt đảng không ngoài ý thức thực thi điều lệ Đảng, gương mẫu tuân thủ kỷ luật Đảng, các nguyên tắc sinh hoạt đảng; đoàn kết trên tinh thần thực hành dân chủ; chân thành tự phê và phê bình như “rửa mặt hằng ngày” trong tình thương yêu đồng chí; tự trọng để bảo vệ danh dự đảng viên, danh dự tổ chức Đảng; trung thực với chính mình để trung thực với Đảng, với dân. Chỉ có những tố chất văn hóa trong mỗi tổ chức Đảng, trong mỗi đảng viên, nhất là đảng viên - cấp ủy thì Đảng ta mới trong sạch, vững mạnh, mới là đạo đức, là văn minh. Khi văn hóa sinh hoạt đảng được hoàn thiện sẽ tạo sức lan tỏa tới các tổ chức nhà nước mà hình thành văn hóa phục vụ nhân dân.
Lịch sử nước nhà đã chứng minh dân tộc ta đứng vững trước bao hiểm nguy thiên tai, địch họa để bảo tồn dân tộc vững bền là nhờ văn hóa, văn hóa đoàn kết cùng nhau yêu nước, thương nòi, văn hóa lấy “nhiễu điều phủ lấy giá gương” để biểu thị tinh thần “thương người như thể thương thân”. Dân tộc ta, một dân tộc lớn lên bằng văn hóa thì đổi mới hôm nay cũng phải từ văn hóa, bằng văn hóa. Thế hệ người dân đất Việt hôm nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phải giữ gìn, làm giàu thêm những tố chất văn hóa mới để dựng nước và giữ nước và cũng để xứng với tiền nhân. Vì lẽ đó, thấy rằng, thực trạng chặng đường 30 năm đổi mới đang đòi hỏi sự đổi mới đồng bộ, toàn diện chính trị, kinh tế, giáo dục, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên nền tảng văn hóa. Văn hóa phải được xem như yếu tố xuyên suốt đổi mới các lĩnh vực đời sống xã hội.
Từ Đại hội XII, có thể hy vọng và tin tưởng một dấu mốc đổi mới đồng bộ, toàn diện, sâu sắc của Đảng được bắt đầu.
PGS.TS Phạm Xuân Hằng
(Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam)