Đổi mới giảng dạy, học tập các môn Khoa học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày 19/4, Trường Đại học Cửu Long tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề 'Đổi mới giảng dạy, học tập các môn Khoa học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học Việt Nam hiện nay'.

Hội thảo nhằm tạo cơ hội để trao đổi, kết nối tri thức giữa các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc nghiên cứu, giảng dạy các môn khoa học Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư tưởng và công tác chuyên môn các trường đại học tại Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cùng các đại biểu dự hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cùng các đại biểu dự hội thảo.

Đến dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long; lãnh đạo Ban tuyên giáo, Trường Chính trị các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 110 nhà khoa học là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực môn Khoa học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Phát biểu chào mừng, Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Minh Cừ - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long cho biết: Ban tổ chức đã nhận được 200 bài viết của 230 tác giả là các nhà khoa học; lãnh đạo, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng; Học viện Chính trị Quốc gia; Tạp chí Cộng sản; Học viện Chính trị Quốc gia khu vực 2, Học viện Chính trị Quốc gia khu vực 4; Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh; trường Chính trị các tỉnh, thành; các Học viện Chính trị, Học viện Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị các huyện thị và các cơ quan ban ngành trên cả nước.

Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Minh Cừ - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long, phát biểu chào mừng hội thảo.

Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Minh Cừ - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long, phát biểu chào mừng hội thảo.

Điều này cho thấy, việc tổ chức hội thảo đã đáp ứng nhu cầu hết sức cấp thiết và thực tiễn trong việc đổi mới giảng dạy và học tập các môn khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh tại các cơ sở đào tạo cả nước trong tình hình hiện nay. Ban tổ chức và Ban biên tập đã phân chia các bài viết theo ba chủ đề chính, gồm: Vai trò và sức sống của chủ nghĩa Mác–Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay; Đổi mới giảng dạy các môn khoa học Mác–Lênin; Đổi mới giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tại hội thảo, có 10 tham luận trực tiếp của các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đoàn chủ tọa tham gia điều hành hội thảo khoa học.

Đoàn chủ tọa tham gia điều hành hội thảo khoa học.

Tham luận tập trung vào các nội dung chính nhằm khẳng định tầm quan trọng, giá trị khoa học và sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới; giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; yêu cầu đổi mới giảng dạy, đổi mới phương pháp, kiểm tra đánh giá các môn khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng hiện đại, sáng tạo và các giải pháp ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy và học tập, nâng cao tính hấp dẫn và hiệu quả học tập của sinh viên.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/doi-moi-giang-day-hoc-tap-cac-mon-khoa-hoc-mac-lenin-va-tu-tuong-ho-chi-minh-i765659/