'Đổi mới giáo dục cần ưu tiên bình đẳng giới, đa dạng và hòa nhập'

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc thúc đẩy bình đẳng giới cần được đặc biệt quan tâm trong tiến trình đổi mới giáo dục tại Việt Nam.

Chia sẻ của PGS.TS Trần Thành Nam với VietNamNet về vai trò quan trọng của bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.

 PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguồn: Trần Thành Nam

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguồn: Trần Thành Nam

Tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực GD-ĐT tại Việt Nam

- Ông có nhận xét gì về vấn đề bình đẳng giới, hòa nhập trong giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tại Việt Nam?

Trong những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, đa dạng và hòa nhập (GEDI) đã trở thành một trong những trọng tâm của nhiều tổ chức giáo dục trên toàn thế giới, và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Theo đó, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc mang đến cơ hội học tập cho cả nam và nữ. So sánh trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ nữ giới và nam giới ở sinh viên đại học (ĐH) Việt Nam nằm ở mức tương đồng với các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines, và cao hơn so với Hàn Quốc và các nước Nam Á.

- Việc thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực GD-ĐT đã được thực hiện thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

Hưởng ứng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 và 2021 - 2030, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lĩnh vực GD-ĐT nói riêng.

Chất lượng giáo dục ĐH từng bước được nâng cao thông qua một loạt chính sách mang tính chiến lược của Bộ GD-ĐT như ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục ĐH, sửa đổi Thông tư hướng dẫn tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH, cũng như hướng tới phát triển các khía cạnh như quản trị ĐH, năng lực nghiên cứu và bình đẳng giới. Tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực GD-ĐT tại Việt Nam ghi nhận sự tham gia tích cực của các tổ chức giáo dục quốc tế, tiêu biểu như Hội Đồng Anh - một trong những đối tác quan trọng của Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN) trong thời gian qua.

Một số dự án hợp tác quốc tế giữa Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN) với các trường ĐH trong và ngoài nước, dưới sự tài trợ của Hội Đồng Anh là điểm sáng tạo ra tác động tích cực trong lĩnh vực giáo dục ĐH. Đơn cử, dự án “Nâng cao nhận thức bình đẳng giới trong giáo dục phổ thông tại Việt Nam” diễn ra trong tháng 5/2024 đã giúp trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết về bình đẳng giới cho giáo viên bậc phổ thông. Hiện nay, dự án đã hoàn thiện một trang web với kho tài nguyên trực tuyến giúp đội ngũ giáo viên trang bị kiến thức về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, một cộng đồng hỗ trợ đồng đẳng đã được thiết lập nhằm duy trì tác động và sự bền vững của dự án trong tương lai.

Trước đó, năm 2023, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN) đã triển khai các dự án hợp tác quốc tế với sự tham gia của Hội đồng Anh trong vai trò đối tác tài trợ, hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo cho nữ sinh viên, nhà nghiên cứu nữ tại Việt Nam. Theo đó, dự án “Thiết kế và đánh giá đào tạo kỹ năng lãnh đạo cho sinh viên nữ tại một số cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam” đã công bố thực trạng nhận thức của sinh viên và lãnh đạo nữ tại các Trường ĐH đối với nhu cầu đào tạo, xây dựng và triển khai các khóa tập huấn liên quan đến kỹ năng lãnh đạo, lập kế hoạch và giải quyết vấn đề. Một số nội dung tập huấn đã được tích hợp vào các chuyên đề sinh hoạt của tổ chức Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên, trở thành một cấu phần trong mô hình giáo dục toàn diện cho sinh viên.

Dự án “Thiết kế và đánh giá đào tạo kỹ năng lãnh đạo cho sinh viên nữ tại một số cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam" do trường ĐH Giáo dục phối hợp cùng Hội đồng Anh tổ chức. Nguồn: Hội Đồng Anh

Dự án “Thiết kế và đánh giá đào tạo kỹ năng lãnh đạo cho sinh viên nữ tại một số cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam" do trường ĐH Giáo dục phối hợp cùng Hội đồng Anh tổ chức. Nguồn: Hội Đồng Anh

 Ông Trần Thành Nam phát biểu tại sự kiện thuộc dự án "Thiết kế và đánh giá đào tạo kỹ năng lãnh đạo cho sinh viên nữ tại một số cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam”. Nguồn: Hội Đồng Anh

Ông Trần Thành Nam phát biểu tại sự kiện thuộc dự án "Thiết kế và đánh giá đào tạo kỹ năng lãnh đạo cho sinh viên nữ tại một số cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam”. Nguồn: Hội Đồng Anh

Hướng đến xây dựng và duy trì mạng lưới những nhà lãnh đạo, những nhà khoa học nữ trong bối cảnh quốc tế và Việt Nam, dự án “EnPOWER - Tạo điều kiện cho sự tiến bộ của các nhà nghiên cứu là phụ nữ” mở ra nhiều cơ hội hơn cho nữ giới về cơ hội hợp tác nghiên cứu và các chương trình học bổng dành riêng cho nữ giới.

Có thể nói, những dự án này không chỉ giúp thay đổi nhận thức và tạo cơ hội thực hành vai trò lãnh đạo của nữ giới mà còn góp phần thiết lập một môi trường bình đẳng hơn cho các nữ lãnh đạo.

Giải pháp nâng cao hiệu quả đảm bảo bình đẳng giới

- Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông có đề xuất gì để tiếp tục nâng cao hiệu quả bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực GD-ĐT?

Trước tiên, cần tập trung vào yếu tố cốt lõi trong giáo dục là đảm bảo quyền học tập và phát triển đối với học sinh, sinh viên và cải thiện tỷ lệ nam, nữ trong mọi cấp học. Đây đồng thời là tiêu chí trong Mục tiêu 5 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

Trong trường học, cần đưa nội dung về bình đẳng giới vào hệ thống giáo dục ở mọi cấp bậc nhằm tạo nên những thế hệ công dân Việt Nam có tư tưởng bình đẳng, từ đó từng bước nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong gia đình và toàn xã hội.

Ở cấp độ gia đình, giáo dục về đề tài này có thể được định hình thông qua việc truyền dạy và sự thể hiện của ông bà, cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Đặc biệt, giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình có thể được thực hiện qua việc chia sẻ trách nhiệm giữa thành viên nam và nữ, giúp cả hai giới nhận thức được vai trò của mình.

Bên cạnh đó, cũng cần tham khảo thêm các mô hình quốc tế. Dự án tăng cường vai trò lãnh đạo về GEDI trong các tổ chức giáo dục ĐH ở Đông Nam Á là một ví dụ điển hình đã tạo ra một mạng lưới lãnh đạo bền vững nhằm thúc đẩy GEDI giữa các quốc gia thông qua việc chia sẻ công cụ, ý tưởng và sáng kiến mới. Việc nghiên cứu, áp dụng và phát triển những mô hình tương tự sẽ góp phần tạo nên những thay đổi tích cực cho bình đẳng giới trong giáo dục tại Việt Nam.

Ngọc Diễm (thực hiện)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/doi-moi-giao-duc-can-uu-tien-binh-dang-gioi-da-dang-va-hoa-nhap-2326213.html