Đổi mới giáo dục không thể thành công nếu giáo viên vẫn dạy theo cách cũ

Chương trình 2018 có sự thay đổi căn bản, toàn diện từ mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục… so với chương trình hiện hành. Do đó, việc tập huấn, bồi dưỡng giúp giáo viên hiểu rõ về chương trình mới, biết cách tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá theo chương trình đạt hiệu quả, là vô cùng quan trọng.

Hoàn thành bồi dưỡng phương pháp dạy cho giáo viên cốt cán

Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đối với các giảng viên, giáo viên cốt cán trong quá trình bồi dưỡng các modul 2, 3, 4 về chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo báo cáo tiến độ bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (GV/CBQLGD) để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT) của Ban quản lý chương trình ETEP (chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông), trong năm 2019 đã có hơn 28.000 giáo viên phổ thông cốt cán các cấp học đã hoàn thành bồi dưỡng modul 1 về “Hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT 2018”; gần 4.000 CBQLGD cốt cán hoàn thành bồi dưỡng về “Quản trị dạy học, giáo dục trong trường tiểu học, THCS, THPT” (modul 1).

Để thực hiện việc dạy học theo CT GDPT mới đối với lớp 1 từ năm học 2020-2021, 100% giáo viên đại trà dạy lớp 1 cũng đã tập huấn hướng dẫn thực hiện chương trình. Công tác bồi dưỡng modul 1 cho giáo viên đại trà các cấp học/lớp học còn lại sau đó được các Sở GD&ĐT phối hợp với trường ĐH sư phạm tham gia ETEP tiếp tục triển khai.

Tính đến ngày 15-11-2020, toàn quốc có 305.136 giáo viên phổ thông (GVPT) các cấp (đạt 36,9% số GVPT) và 14.143 CBQLCSGDPT (đạt 20,2% số CBQLCSGDPT) đã tham gia học trực tuyến modul 1. Một số Sở GD&ĐT có số lượng giáo viên hoàn thành modul 1 rất cao (trên 80%) như Phú Thọ, Bến Tre, Lai Châu, Thái Nguyên…

Thực hiện kế hoạch năm 2020 bồi dưỡng modul 2 và 3 cho GV/CBQLGD, thời gian vừa qua, chương trình ETEP đã tổ chức nhiều khóa tập huấn cho đội ngũ cốt cán. Tính đến ngày 16-11-2020, có 15.066 giáo viên THCS, THPT cốt cán đã được bồi dưỡng modul 2 về “Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/THCS/THPT”, đạt 103% so với kế hoạch. 100% CBQLGD cốt cán của 3 cấp tiểu học, THCS, THPT (4.000 người) được bồi dưỡng modul 2 về “Quản trị nhân sự trong trường tiểu học/THCS/THPT”.

Đối với modul 3 về “Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/THCS/THPT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực” cho giáo viên và “Quản trị tài chính trường tiểu học theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình” cho CBQLGD, các trường ĐH sư phạm và Học viện Quản lý giáo dục tham gia ETEP đang tích cực triển khai.

Theo kế hoạch, trong tháng 11 này việc tập huấn cho giáo viên cốt cán sẽ hoàn thành và trước 31-12-2020 hoàn thành cho CBQLGD cốt cán. Hiện nay, một số địa phương có đội ngũ cốt cán hoàn thành bồi dưỡng modul 2, 3, đang tích cực tổ chức tập huấn cho GV/CBQLGD đại trà.

GV/CBQLGD tham gia tập huấn cốt cán có vai trò quan trọng để phát triển thường xuyên cho đồng nghiệp tại địa phương về chương trình GDPT mới. Ảnh: Moet.gov.vn

GV/CBQLGD tham gia tập huấn cốt cán có vai trò quan trọng để phát triển thường xuyên cho đồng nghiệp tại địa phương về chương trình GDPT mới. Ảnh: Moet.gov.vn

Chương trình mới, đánh giá phải mới

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng giáo viên trong triển khai CT GDPT mới. Chương trình 2018 có sự thay đổi căn bản, toàn diện từ mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục… so với chương trình hiện hành. Do đó, việc tập huấn, bồi dưỡng giúp giáo viên hiểu rõ về chương trình mới, biết cách tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá theo chương trình đạt hiệu quả, là vô cùng quan trọng. Đây là đội ngũ trực tiếp tạo ra sản phẩm giáo dục, có vai trò quyết định đến thành công trong triển khai chương trình.

Thời gian vừa qua, các trường tiểu học đã tổ chức dạy học lớp 1 theo chương trình mới. Qua báo cáo sơ bộ tình hình thực hiện của các địa phương và thực tế kiểm tra cho thấy cơ bản giáo viên lớp 1 đã tiếp cận được yêu cầu đổi mới. “Đó là thành công bước đầu của công tác tập huấn modul 1 Hướng dẫn thực hiện CT GDPT 2018 cho giáo viên”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói. Thứ trưởng đề nghị các Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với trường ĐH tham gia ETEP để tập huấn kỹ lưỡng, chất lượng, hiệu quả cho giáo viên đại trà các cấp/các lớp học về modul này.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, khi thực hiện CT GDPT mới nhưng nếu giáo viên vẫn dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo phương pháp cũ, thì đổi mới không thể đạt hiệu quả.

Từ năm học 2020-2021 việc dạy học theo CT GDPT 2018 đã bắt đầu ở lớp 1 và các năm sau cuốn chiếu thực hiện cho các lớp trên. Việc bồi dưỡng bài bản, khoa học, cho tất cả giáo viên về thực hiện các phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực theo yêu cầu của CT mới là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ do đó yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, chương trình ETEP, các Sở GD&ĐT, trường ĐH tham gia ETEP tập trung thực hiện nhiệm vụ này, đảm bảo chất lượng, tiến độ tập huấn modul 2, 3 cho giáo viên từ cốt cán đến đại trà.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đồng thời yêu cầu các đơn vị thực hiện hiệu quả việc bồi dưỡng cho CBQLGD đối với các nội dung về quản trị nhân sự, tài chính, quản trị cơ sở vật chất nhà trường. Đây là 3 modul rất quan trọng, nếu nhà quản lý không nắm chắc và thực hiện tốt thì có thể trở thành lực cản đối với việc đổi mới giáo dục phổ thông.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ bồi dưỡng GV/CBQLGD, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan, đặc biệt là các Sở GD&ĐT và trường đại học tham gia chương trình ETEP. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các Sở GD&ĐT khi bố trí GV/CBQLGD tham gia tập huấn cốt cán phải lựa chọn đúng người, đúng đối tượng, đủ về số lượng và cơ cấu môn học để sau đó đội ngũ cốt cán có thể hỗ trợ phát triển thường xuyên cho đồng nghiệp tại địa phương. GV/CBQLGD cốt cán tham gia bồi dưỡng modul 2, 3, theo đó phải là người đã hoàn thành modul 1, để đảm bảo tính liên thông, hiệu quả của chương trình bồi dưỡng.

Về phía Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, tới đây sẽ ban hành kế hoạch “dài hơi” về bồi dưỡng GV/CBQLGD từ năm 2021, để các địa phương, nhà trường chủ động, thực hiện hiệu quả.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/doi-moi-giao-duc-khong-the-thanh-cong-neu-giao-vien-van-day-theo-cach-cu-218886.html