Đổi mới giáo dục tiểu học: Chú trọng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên

Năm học 2018-2019 là năm sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng là năm bản lề tích cực chuẩn bị các điều kiện để đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trọng tâm là lớp 1.

Và mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với giáo dục tiểu học. Theo đó, năm học 2018-2019, giáo dục tiểu học tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và hình thức tổ chức, phương pháp đánh giá học sinh; Chuyển từ truyền thụ kiến thức sang tổ chức hoạt động học tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh.

Giáo dục tiểu học tiếp tục đổi mới cả hình thức lẫn phương pháp dạy và học

Giáo dục tiểu học tiếp tục đổi mới cả hình thức lẫn phương pháp dạy và học

Vừa qua, giáo dục tiểu học bước đầu sử dụng các hình thức dạy học trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, chú ý các hoạt động trải nghiệm để học sinh vận dụng kiến thức, phát triển năng lực. Thực hiện nghiêm việc xây dựng ma trận đề kiểm tra định kỳ, tăng cường hướng dẫn giáo viên thực hiện đúng quy trình ra đề kiểm tra, đánh giá định kỳ các môn học. Nhờ đó, năm học 2018-2019, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên và duy trì vững chắc.

Bên cạnh đó, các địa phương đã quan tâm đầu tư nhiều hơn cho cơ sở vật chất, đội ngũ để tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày (tỷ lệ này là 80,06% trong khi năm học trước mới đạt 74,8%), nhiều địa phương đạt 100% tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày. Từ đó, phong trào xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia cũng đạt kết quả đáng khích lệ với tỷ lệ đạt 59,7%... Kết quả trên được ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cung cấp tới hội nghị.

Cụ thể, toàn quốc hiện có 13.995 trường tiểu học, trong đó trường tiểu học công lập là 13.735 trường (giảm 1.052 trường so với năm học trước) và 260 trường ngoài công lập; có 278.585 lớp học với tổng số học sinh là 8.479.977 em, đạt tỷ lệ trung bình 30 học sinh/lớp. Do làm tốt công tác điều tra phổ cập, dự báo tốt tình hình, nên dù số học sinh tăng nhưng về cơ bản, các địa phương đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên để thực hiện tổ chức dạy học đúng quy định của chương trình, đảm bảo số lượng học sinh/lớp theo đúng quy định…

Năm học 2018-2019, toàn quốc có gần 400.000 giáo viên tiểu học, tỷ lệ trung bình giáo viên/lớp ở cấp tiểu học là 1,38, về cơ bản đủ để thực hiện chương trình dạy học 2 buổi/ngày.

Điều đáng nói là, tại một số địa phương có tỷ lệ giáo viên/lớp còn thấp; số giáo viên đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động khá cao, khiến nhiều giáo viên chưa yên tâm công tác; Cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa hợp lý, một số nơi thiếu trầm trọng giáo viên các bộ môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật…; Các chương trình tích hợp, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong trường học… chưa thật sự hiệu quả.

Nhiều ý kiến phát biểu tại hội nghị mong giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu phòng học, nhà vệ sinh; hay tình trạng một số khu đô thị, khu công nghiệp thiếu trường lớp; thiếu đất xây dựng trường học;...

Mặt khác, vì năm học 2019-2020 là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện để đưa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào giảng dạy ở lớp cấp 1 tiểu học từ năm 2020 - 2021, do đó, bên cạnh hoàn tất công tác chuẩn bị cho năm học mới, các địa phương phải tăng cường cơ sở vật chất, tập trung ưu tiên chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tiếp đó, phải phối hợp thực hiện tốt công tác bồi dưỡng giáo viên; việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, dồn dịch điểm trường đối với cấp tiểu học phải tuân thủ theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo.

“Giáo dục tiểu học cần quan tâm đến giáo dục văn hóa đạo đức cho học sinh; xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện… Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học”, người đứng đầu ngành giáo dục nêu yêu cầu.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý, ngành Giáo dục cùng với các địa phương cần tăng cường xây dựng trường học an toàn, thân thiện; tiếp tục duy trì chất lượng trường chuẩn quốc gia.

Năm học 2019 - 2020 ngành giáo dục tiểu học vừa phải hoàn thành các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021, vừa cần tập trung thực hiện rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp; tăng cường cơ sở vật chất các trường tiểu học đáp ứng điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; chuẩn bị sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới; Tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục tiểu học. Cùng với đó, chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ cho nhà trường.

Vì vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, năm học này (2019 – 2020) giáo dục tiểu học phải làm thật tốt các nhiệm vụ: thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và chuẩn bị chương trình giáo dục phổ thông mới; bảo đảm chất lượng, số lượng đội ngũ giáo viên; kiện toàn cơ sở vật chất trường lớp; đẩy mạnh giáo dục văn hóa đạo đức cho học sinh từ bậc tiểu học; xây dựng môi trường trường học an toàn lành mạnh…

Tú Oanh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/doi-moi-giao-duc-tieu-hoc-chu-trong-chuan-hoa-doi-ngu-giao-vien-91183.html