Đổi mới giáo dục từ đội ngũ nhà giáo
Đồng Nai đang đứng trước những cơ hội to lớn để trở thành tỉnh phát triển trong nhóm đầu của cả nước như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã xác định. Để đạt được mục tiêu này, GD-ĐT có vai trò đặc biệt quan trọng trong cung cấp đội ngũ nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự phát triển nhanh và bền vững.
Trách nhiệm để có được đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ các nhà giáo trong cập nhật thường xuyên các kiến thức, phương pháp dạy và học mới. Những bài học trên lớp phải có tính vận dụng giải quyết các vấn đề thực tiễn mà đời sống kinh tế - xã hội đặt ra.
Khi giáo viên thay đổi
Từ nhiều năm nay, Trường THPT Thống Nhất A (H.Trảng Bom) đã trở thành điển hình trong đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng vận dụng. Từ định hướng của giáo viên đã cho ra đời nhiều đề tài, sản phẩm khoa học kỹ thuật đoạt các giải cao tại các cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh và toàn quốc. Nhiều sản phẩm khoa học của giáo viên và học sinh có tính ứng dụng cao trong thực tiễn nếu tiếp tục có nguồn lực đầu tư nghiên cứu hoàn thiện như: máy đo thân nhiệt, máy rửa tay tự động, thiết bị hỗ trợ người bệnh uống thuốc đúng giờ…
Thầy giáo Nguyễn Thành Phương, người đã đạt được nhiều giải thưởng về nghiên cứu, chế tạo của trường chia sẻ, nếu quá trình dạy của giáo viên chỉ nghiêng về lý thuyết thì sẽ vô cùng khô khan, dẫn đến học sinh không có hứng thú học tập. Do đó, người thầy phải thay đổi chính mình bằng cách tìm tòi những cái mới, gắn kết giữa lý thuyết và thực hành để giúp các em tìm ra được những nguyên lý, đồng thời có thể vận dụng để giải quyết những vấn đề cụ thể.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG:
Đội ngũ nhà giáo là yếu tố quyết định
Đồng Nai đang có nhiều cơ hội phát triển nhưng đào tạo nguồn nhân lực phải đi trước một bước để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Các nhà trường phải ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, nhưng trước hết phải đặc biệt chú trọng đến đội ngũ nhà giáo vì con người mới là yếu tố quyết định .
Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Thánh Tông (xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc) Phạm Nhị Phương Vi chia sẻ, dạy học ngày nay đã rất khác so với nhiều năm trước, vì thế nếu giáo viên không thay đổi thì không đủ tự tin đứng lớp. Đơn cử như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng bài giảng sinh động, dạy học theo dự án.
“Nhiệm vụ của giáo viên tuy áp lực hơn trước nhưng đây là cơ hội giúp giáo viên tự làm mới mình. Thực tế khi giáo viên đã có được trình độ và kỹ năng tốt rồi thì việc dạy học sẽ trở nên rất thú vị vì học sinh hiểu bài nhanh, vận dụng tốt, khi đó giáo viên cũng không phải “hò hét” gì mà học sinh sẽ tự giác học” - cô Vi nói.
Tăng tốc đào tạo nhân lực chất lượng cao
Đồng Nai hiện có trên 20 cơ sở giáo dục cao đẳng và đại học với hơn 1,2 ngàn cán bộ, giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Để có đủ năng lực đào tạo, các cơ sở giáo dục đều tập trung đầu tư cả về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên gắn với tiêu chí ngành nghề đang đào tạo.
TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai cho biết, chất lượng đội ngũ giảng viên là then chốt trong công tác đào tạo, do đó hiện nay trong số 300 cán bộ, giảng viên, 90% là có trình độ từ thạc sĩ trở lên, số còn lại do đã lớn tuổi, sắp tới sẽ nghỉ hưu. Hiện nay, nhà trường đang khuyến khích cán bộ giảng viên đi học nâng cao trình độ từ thạc sĩ lên tiến sĩ. Bên cạnh đó, trường cũng đang tích cực hợp tác với các trường đại học ngoài nước để đưa giảng viên đi đào tạo.
TS Mai Hải Châu, Phó giám đốc phân hiệu Trường đại học Lâm nghiệp tại Đồng Nai cho hay, trong 5 năm trở lại đây số lượng cán bộ, giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên tăng đáng kể. Trong số 200 cán bộ, giảng viên của nhà trường hiện nay, có 3 phó giáo sư, 99 thạc sĩ và 20 người đang là nghiên cứu sinh ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Mới đây, nhà trường có 1 giảng viên tuổi 37 đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư và đang được Hội đồng Giáo sư nhà nước xem xét công nhận sau thời gian lấy ý kiến.
TS Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho hay, hiện 100% giảng viên của trường đều có trình độ từ thạc sĩ trở lên nhưng trình độ chỉ là một phần của câu chuyện chất lượng đào tạo. Nhà trường đang tiếp tục hỗ trợ bằng cách hợp tác với các trường đại học nước ngoài để đào tạo giảng viên ở các chuyên ngành mới mà trong nước đang rất cần. Chẳng hạn như hợp tác với Trường đại học Arizona của Mỹ đào tạo về công nghệ thông tin và xây dựng, cử giảng viên đi đào tạo tại Nhật Bản và Hàn Quốc về ngôn ngữ.
Nhiều giảng viên của Trường đại học Lạc Hồng đã lấy được bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài và đang phát huy tốt năng lực vào công tác đào tạo. TS Lâm Thành Hiền cho biết, hiện nhà trường đang bắt tay vào đào tạo các ngành mới như thương mại điện tử, truyền thông đa phương tiện, logistics… Do đó, những ngành này cũng sẽ cử giảng viên đi đào tạo trình độ cao ở nước ngoài. Nhà trường cũng sẽ sớm bắt tay cử giảng viên đi đào tạo các ngành chiến lược mới của đất nước như sản xuất chất bán dẫn và sản xuất chip...
Giám đốc Sở GD-ĐT TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ:
Kiến nghị nâng cao đời sống nhà giáo
Đồng Nai hiện có hơn 32 ngàn cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục, lớn thứ 5 cả nước. Thu nhập của một bộ phận không nhỏ nhà giáo vẫn chưa đảm bảo mức sống thực tế, vì vậy để đội ngũ nhà giáo an tâm công tác, cùng với chính sách cải cách tiền lương của Chính phủ sắp tới, Sở GD-ĐT cũng đang trình UBND tỉnh chính sách hỗ trợ và thu hút giáo viên. Hy vọng chính sách được sớm thông qua để giáo viên có thêm động lực công tác.
Trưởng phòng GD-ĐT H.Long Thành NGUYỄN VĂN TOÀN:
Bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy theo phương pháp mới
Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở các cấp học đang triển khai đã tạo động lực cho phần lớn giáo viên thay đổi, tuy nhiên giáo viên vẫn cần được bồi dưỡng, tập huấn nhiều hơn nữa, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng bài giảng, quản lý học sinh. Giáo viên cũng cần có thêm nhiều thời gian để học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, nhất là kỹ năng ngoại ngữ và công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu mới trong công tác.
Cô KIỀU THỊ MỸ HẠNH, Trường tiểu học Xuân Mỹ (H.Cẩm Mỹ):
Ứng dụng công nghệ thông tin tạo ra chất lượng đột phá
Khi chủ động thay đổi chính mình trong phương pháp dạy và tiếp cận với học sinh đã cho tôi nhiều kinh nghiệm để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình. Hiện khả năng ứng dụng công nghệ thông tin đang cho hiệu quả rất tốt trong giáo dục, tuy nhiên giáo viên cần được hỗ trợ nhiều hơn như về phương tiện thiết bị, tiếp cận với các phần mềm giáo dục tiên tiến để nâng cao hiệu quả áp dụng vào giảng dạy, thu hút học sinh trong mỗi bài học trên lớp.