Đổi mới hình thức tuyên truyền để ngư dân tự giác chống khai thác IUU

Quản lý địa bàn huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi với 6.658 hộ/24.485 nhân khẩu, trong đó, lao động nghề biển và hậu cần nghề biển chiếm khoảng trên 60% với 542 tàu đánh bắt xa và gần bờ; để ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật trong quá trình lao động, sản xuất trên biển và phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Đồn Biên phòng Lý Sơn, BĐBP Quảng Ngãi đã tập trung đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua đó, nâng cao nhận thức của chủ tàu cá, ngư dân, chủ cơ sở, doanh nghiệp thu mua thủy sản... trong việc chống khai thác IUU.

Ngư dân ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và không vi phạm vùng biển nước ngoài trong quá trình đánh bắt trên biển. Ảnh: Đào Mai

Ngư dân ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và không vi phạm vùng biển nước ngoài trong quá trình đánh bắt trên biển. Ảnh: Đào Mai

Tuyên truyền kết hợp với xử phạt nghiêm khắc

Từ tháng 10/2023 đến nay, Đồn Biên phòng Lý Sơn đã tổ chức tuyên truyền tập trung được 8 buổi tại cộng đồng dân cư cho khoảng 370 lượt chủ phương tiện, thuyền trưởng; tuyên truyền riêng lẻ và thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cảng, bến, trạm kiểm soát Biên phòng cho khoảng 635 lượt chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân về quy định của pháp luật liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chống khai thác IUU.

Nội dung tuyên truyền luôn được Đồn Biên phòng Lý Sơn đổi mới, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Những tờ rơi phát cho ngư dân, ngoài nội dung tuyên truyền về luật, đơn vị đã thông tin cụ thể về thể về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài, tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình (trừ lỗi kỹ thuật)... Đồng thời, lấy dẫn chứng cụ thể các vụ việc vi phạm đã bị xử lý để răn đe, cảnh tỉnh, làm thay đổi nhận thức của ngư dân.

Anh Bùi Văn Trung, 49 tuổi, trú tại khu dân cư số 7, Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn, chủ tàu cá QNg96787TS chia sẻ: “Trước đây, việc tuyên truyền chống khai thác IUU chủ yếu là nội dung các luật, nghị định của Nhà nước nên hơi khó nhớ và chúng tôi cũng lười đọc vì nội dung dài, chung chung. Nay các anh ở Đồn Biên phòng Lý Sơn đã đưa thêm nội dung, dẫn chứng về các trường hợp vi phạm bị xử lý vào nội dung tuyên truyền trong tờ rơi nên chúng tôi ý thức rõ hệ lụy của việc không chấp hành các quy định của pháp luật”.

Song song với đổi mới nội dung, Đồn Biên phòng Lý Sơn thường xuyên chú trọng đến hình thức tuyên truyền theo hướng tiếp cận sát với từng đối tượng, đồng thời vận dụng linh hoạt nhiều hình thức như: Tuyên truyền miệng, cấp phát tờ rơi; tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh tại địa phương; phối hợp với Phòng Chính trị, BĐBP tỉnh xây dựng các clip, phóng sự, tin, bài có nội dung liên quan đến chống khai thác IUU để đăng trên báo địa phương, các trang mạng xã hội, phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi...

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, công tác điều tra, xử phạt những hành vi vi phạm được đơn vị thực hiện nghiêm và có tính răn đe. Từ tháng 10/2023 đến nay, đơn vị đã tổ chức điều tra, xác minh 29 trường hợp tàu cá mất kết nối giám sát hành trình quá 10 ngày trên biển và tàu cá vượt ranh giới cho phép; xử phạt 3 tàu cá với số tiền 75 triệu đồng về các hành vi “vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hành nghề trên biển” và “không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m”.

Chuyển biến tích cực trong nhân dân

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Ngô Doãn Tú, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lý Sơn cho biết: "Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kết hợp làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết không làm thủ tục xuất bến cho tàu cá và ngư dân không có đầy đủ giấy tờ và thiếu các trang thiết bị theo quy định của pháp luật..., nhờ đó, ý thức của bà con ngư dân được nâng lên rõ rệt, địa phương không có trường hợp phương tiện vi phạm vùng biển nước ngoài".

Trên địa bàn do Đồn Biên phòng Lý Sơn phụ trách có 136 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên thì 133 tàu đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, 3 chiếc còn lại do không hoạt động nên chưa lắp đặt. Việc người dân tuân thủ các quy định của pháp luật trước khi ra khơi đánh bắt đã và đang trở thành nền nếp.

Qua ý kiến chia sẻ của anh Bùi Văn Trung, đã minh chứng rõ cho việc nhận thức của ngư dân đã có nhiều chuyển biến tích cực: “Trước đây, tôi và các thuyền viên đều khá chủ quan trong việc chuẩn bị các loại giấy tờ và kiểm tra thiết bị giám sát hành trình khi đi hành nghề và cũng ít khi quan tâm đến vị trí ngư trường mà mình đánh bắt. Nay thì khác rồi, trước khi tàu xuất bến, tôi luôn nhắc nhở tài công và anh em thuyền viên phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ và chỉ đánh bắt ở vùng biển Việt Nam. Ai cũng nắm rõ, nếu vi phạm vùng biển nước khác thì sẽ bị bắt giữ, tịch thu tài sản và bị ở tù, đồng thời thế giới đánh giá thấp về ý thức của người Việt Nam”.

Có thể nói, việc gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) cần sự quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân vì lợi ích chung của ngành thủy sản Việt Nam, mà chủ thể quan trọng chính là những ngư dân đang ngày ngày bám biển đánh bắt hải sản. Song để cho ngư dân tự giác chấp hành các quy định của pháp luật thì các ngành chức năng, chính quyền địa phương phải luôn đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn để đánh bắt hiệu quả.

Thành Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doi-moi-hinh-thuc-tuyen-truyen-de-ngu-dan-tu-giac-chong-khai-thac-iuu-post476484.html