ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VIỆC THI HÀNH PHÁP LUẬT Ở ĐỊA PHƯƠNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Căn cứ Nghị quyết về chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát chuyên đề phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Để tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát, một số ý kiến đại biểu, chuyên gia cho rằng, cần cải tiến phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tăng cường vai trò giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, không ngừng nâng cao năng lực, kỹ năng của ĐBQH...
Theo đánh giá chung, trong những năm qua, hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội ngày càng đi vào nề nếp, thiết thực. Đồng thời, vừa giúp cho việc chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền tốt hơn, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình hoạt động, vừa góp phần phổ biến, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Hoạt động giám sát, khảo sát của Đoàn luôn nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội trong Đoàn cũng như của chính quyền địa phương và đông đảo cử tri.
Tuy nhiên cùng với những kết quả đạt được, hoạt động giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH vẫn còn tồn tại một số hạn chế cũng như vướng mắc trong quá trình triển khai. Đơn cử như việc thành lập Đoàn giám sát theo quy định tại khoản 1, Điều 52 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân còn bất cập do số lượng đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội ít, một số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại trung ương. Việc huy động chuyên gia, cơ quan chuyên môn nghiệp vụ tham gia Đoàn giám sát còn hạn chế, nên ảnh hưởng nhất định đến tiến độ, chất lượng giám sát.
Bên cạnh đó, việc xem xét, giải quyết các kiến nghị sau giám sát chưa có chế tài đủ mạnh, vẫn còn tình trạng chậm trễ trong tổ chức triển khai, chưa bảo đảm thời gian thực hiện theo quy định, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát chưa cao, việc trả lời, giải quyết của một số cơ quan chức năng liên quan cũng còn chậm, chất lượng chưa cao, nhất là các kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, hoặc điều chỉnh một số nội dung còn chồng chéo, bất cập trong một số quy định pháp luật; việc tập hợp, theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội chưa được thường xuyên.
Để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH, hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, PGS. TS Lê Minh Thông cho rằng, đại biểu Quốc hội đóng vai trò trung tâm, năng lực và chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội có ý nghĩa quyết định, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung và hoạt động giám sát nói riêng,….
Để nâng cao năng lực của các đại biểu Quốc hội cần đổi mới mạnh mẽ công tác cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội, đặc biệt cho các đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách tại các địa phương. Đảm bảo việc gửi tài liệu cho đại biểu Quốc hội đúng thời hạn quy định. Cùng với cải thiện việc cung cấp thông tin cần có cơ chế, chính sách phù hợp để đại biểu Quốc hội tiếp cận các chuyên gia, nhà chuyên môn trợ giúp đánh giá xem xét các nội dung cần thiết mang tính chuyên môn sâu liên quan đến lĩnh vực giám sát.
Theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, để đại biểu Quốc hội thực hiện được và thực hiện tốt công tác giám sát, cần tập trung bồi dưỡng, tập huấn cho đại biểu Quốc hội ngay từ đầu nhiệm kỳ về quy trình giám sát, cách thức tổ chức giám sát, cách lựa chọn vấn đề giám sát; chọn lựa chuyên gia,… Đồng thời cung cấp thường xuyên tài liệu, báo cáo các nội dung liên quan đến vấn đề giám sát.
Cũng theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam cần nghiên cứu cải tiến phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tăng cường vai trò giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, đẩy mạnh các hình thức giám sát trực tiếp tại cơ sở phù hợp với tình hình từng địa phương. Theo đó, các kết luận, kiến nghị sau giám sát cũng cần nghiên cứu để có tiêu chí rõ ràng, mốc thời gian, trách nhiệm thực hiện cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; bảo đảm tính thống nhất và khả thi các nghị quyết, kết luận, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Ngoài ra, các ý kiến cũng đề xuất, phải ban hành hướng dẫn cơ chế, quy trình cụ thể, chi tiết về thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục cho Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Tổ đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát của mình; Nghiên cứu xây dựng khung đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội.
Cho rằng tình hình thực tiễn của mỗi địa phương khác nhau, các ý kiến đề nghị, cần dành thời gian phù hợp để các Đoàn đại biểu Quốc hội có đủ thời gian, điều kiện tổ chức thực hiện các chuyên đề giám sát, các hoạt động khảo sát theo chương trình riêng của Đoàn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập, tồn tại, hạn chế của địa phương./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79717