Đổi mới hoạt động hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân
Ngày 14-11-2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 21/2019/TT-NHNN (viết tắt là Thông tư 21) có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 với nhiều nội dung quan trọng, sửa đổi các Thông tư: số 31/2012/TT-NHNN, số 04/2015/TT-NHNN, số 32/2015/TT-NHNN và số 03/2014/TT-NHNN nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cơ bản liên quan đến vốn góp của thành viên... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Ngày 14-11-2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 21/2019/TT-NHNN (viết tắt là Thông tư 21) có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 với nhiều nội dung quan trọng, sửa đổi các Thông tư: số 31/2012/TT-NHNN, số 04/2015/TT-NHNN, số 32/2015/TT-NHNN và số 03/2014/TT-NHNN nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cơ bản liên quan đến vốn góp của thành viên, địa bàn hoạt động, nhân sự của Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) tại các địa phương.
Thông tư 21 được đánh giá là yêu cầu cao hơn về chất lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống Quỹ TDND. Trong đó, địa bàn hoạt động của Quỹ TDND quy định chỉ còn trong địa bàn một xã, một phường hoặc một thị trấn (gọi chung là một xã). Các Quỹ TDND có quy mô liên xã, Quỹ TDND ngành nghề và Quỹ TDND bị thay đổi địa bàn hoạt động do chia tách địa giới hành chính trước ngày 1-1-2020 chỉ được tiếp tục hoạt động nếu đáp ứng một số điều kiện cụ thể như có từ 300 thành viên trở lên, giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định, đội ngũ bộ máy đạt chuẩn theo quy định hiện hành, không thuộc diện Quỹ TDND áp dụng can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật, tiền gửi từ thành viên của Quỹ tối thiểu bằng 60% tổng mức nhận tiền gửi của Quỹ. Bên cạnh đó, Thông tư 21 cũng quy định rõ về giới hạn quy mô hoạt động của các quỹ. Theo đó, để đảm bảo Quỹ TDND có quy mô tổng tài sản trên 500 tỷ đồng hoạt động an toàn, lành mạnh, Thông tư 21 quy định tổng mức nhận tiền gửi không quá 20 lần vốn chủ sở hữu; tỷ lệ nhận tiền gửi từ thành viên chiếm tối thiểu 70% tổng mức nhận tiền gửi (đối với các Quỹ khác, tỷ lệ này là 50% nếu hoạt động trên địa bàn một xã và 60% nếu hoạt động trên địa bàn liên xã). Thời gian thực hiện chuyển tiếp đối với các Quỹ TDND chưa đáp ứng tỷ lệ này là 24 tháng nhằm đảm bảo tính khả thi, không gây xáo trộn đối với hệ thống. Ngoài ra, bám sát các nội dung tại Đề án tái cơ cấu Quỹ TDND, Thông tư 21 quy định tiêu chuẩn, điều kiện của các chức danh Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Giám đốc theo hướng nâng cao, tăng tương ứng với quy mô hoạt động của các Quỹ TDND, tập trung vào 2 yếu tố là trình độ và kinh nghiệm công tác. Trong đó đối với nhóm các Quỹ có tổng tài sản trên 500 tỷ đồng quy định tiêu chuẩn, điều kiện gần tương đương với tiêu chuẩn, điều kiện của các ngân hàng thương mại, còn đối với các Quỹ TDND có tổng tài sản dưới 500 tỷ đồng tập trung nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn so với quy định tại Thông tư số 04/2015/TT-NHNN; bổ sung điều kiện về năm kinh nghiệm công tác đối với các chức danh. Chủ tịch Hội đồng quản trị và Trưởng Ban kiểm soát của Quỹ TDND giữ chức vụ không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp, nhiệm kỳ tại thời điểm 1-1-2020 được tính là nhiệm kỳ đầu tiên. Quy định này đảm bảo các Quỹ TDND có tối thiểu một nhiệm kỳ để tìm kiếm nhân sự đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và Trưởng Ban Kiểm soát. Thông tư 21 giữ nguyên quy định về số lượng thành viên Ban kiểm soát và kiểm soát viên chuyên trách đối với các Quỹ TDND có tổng tài sản từ 8 tỷ đồng trở xuống, bỏ tiêu chí “có dưới 1.000 thành viên” vì khó đáp ứng trên thực tế. Quy định về xác lập tư cách thành viên được xây dựng trên cơ sở quy định có liên quan của Luật Các tổ chức tín dụng. Về mức phí trích nộp Quỹ bảo toàn, Thông tư 21 quy định giảm từ 0,08% xuống 0,05% dư nợ cho vay bình quân năm liền kề trước khi kết thúc vào ngày 31-12 của Ngân hàng Hợp tác xã, Quỹ TDND. Để đảm bảo việc xử lý đối với các Quỹ TDND được kiểm soát đặc biệt, Thông tư 21 quy định Đại hội thành viên được tiến hành khi có ít nhất 75% tổng số thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc đại biểu thành viên tham dự; trường hợp không đủ số lượng thành viên thì phải hoãn đại hội thành viên. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành thì triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Cuộc họp của đại hội thành viên lần thứ hai được tiến hành khi có ít nhất 50% tổng số thành viên. Tại cuộc họp lần thứ 3, đại hội thành viên được tiến hành không phụ thuộc vào số thành viên tham dự. Đặc biệt, nhằm siết chặt việc buông lỏng công tác quản trị, điều hành, nhất là trong việc in ấn và quản lý sổ tiết kiệm trắng tại một số Quỹ TDND trong thời gian qua đã dẫn đến sai phạm nghiêm trọng, gây hậu quả tiêu cực đến uy tín và tài sản của hệ thống Quỹ TDND và ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền, kể từ ngày 1-1-2020, các Quỹ TDND chỉ được sử dụng sổ tiết kiệm trắng theo mẫu thống nhất để nhận tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm của thành viên, tổ chức, cá nhân khác bằng đồng Việt Nam. Sổ tiết kiệm này do Ngân hàng Hợp tác xã đầu mối triển khai việc in ấn, quản lý và cung cấp cho các Quỹ TDND. Việc quản lý kiểm tra, giám sát hoạt động Quỹ TDND thành viên của Ngân hàng Hợp tác xã chỉ được thực hiện theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Để các Quỹ TDND nhanh chóng nắm bắt được tinh thần Thông tư 21, tiến tới áp dụng củng cố, chấn chỉnh hoạt động đảm bảo hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng mục tiêu, tôn chỉ mục đích, ngày 30-12-2019, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn Thông tư số 21/2019/TT-NHNN cho các đồng chí Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh; thanh tra, giám sát chi nhánh; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc, Trưởng Ban kiểm soát của 42 Quỹ TDND trên địa bàn. Đồng chí Ngô Lam Sơn, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: “Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ tăng cường đôn đốc, yêu cầu các Quỹ TDND trên địa bàn tiến hành rà soát tình hình thực tế của Quỹ, chủ động xây dựng phương án thực hiện các tiêu chí nhằm đáp ứng theo đúng quy định tại Thông tư 21; tập trung vào các vấn đề liên quan đến chất lượng hoạt động của quỹ như trình độ, tiêu chuẩn của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc; địa bàn hoạt động; tổng mức nhận tiền gửi; số lượng thành viên Ban kiểm soát; tỷ lệ tiền gửi từ thành viên; quản lý và sử dụng sổ tiết kiệm trắng... đảm bảo đúng thời gian, lộ trình thực hiện”./.
Bài và ảnh: Đức Toàn