Đổi mới hoạt động hướng nghiệp phù hợp
Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản chấn chỉnh việc tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, phân luồng và tư vấn tuyển sinh. Theo đó, cơ quan quản lý nghiêm cấm các hoạt động quảng cáo, tư vấn du học lồng ghép trong các buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Căn cứ tình hình thực tế, hiệu trưởng hoặc người đứng đầu đơn vị xây dựng kế hoạch tư vấn hướng nghiệp phù hợp, có nội dung không trùng lặp, không gây quá tải cho học sinh và giáo viên, đặc biệt không cung cấp thông tin cá nhân của học sinh, cha mẹ học sinh cho mục đích quảng cáo tuyển sinh.
Có thể thấy quy định nói trên không mới, năm học nào cũng được nhắc lại theo kiểu “đến hẹn lại lên”. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các buổi tư vấn hướng nghiệp hiện nay ở các trường phổ thông đều được kết hợp với hoạt động quảng bá ngành học, chương trình học của các trường đại học, cơ sở đại diện của các tổ chức giáo dục quốc tế tại Việt Nam.
Khi học sinh có nhu cầu tìm hiểu về một ngành học, các em không được cung cấp bức tranh tổng quan về các trường đại học đào tạo nhóm ngành đó, chi phí học tập ở từng loại hình đào tạo cũng như cơ hội việc làm sau khi ra trường. Thay vào đó, đại diện của một trường đại học nào đó có liên kết với trường phổ thông sẽ giới thiệu chính sách tuyển sinh, cơ hội học bổng, điều kiện học tập của trường mình với mục đích mời gọi, thu hút sự quan tâm của học sinh.
Sau thời gian đặt câu hỏi chung ở sân trường, học sinh được “dụ” tham quan gian hàng của các trường đại học với nhiều phần quà hấp dẫn như gấu bông, ba lô, túi xách, voucher giảm học phí, với điều kiện để lại tên, số điện thoại hoặc điền vào đơn đăng ký tuyển sinh của trường đại học. Đây được xem là một trong những hình thức thu thập thông tin sớm, với mục đích tiếp cận sau khi học sinh có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Song song với hoạt động tư vấn ở sân trường, một số trường học còn tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu hoạt động sản xuất thực tế tại các doanh nghiệp hoặc trải nghiệm một ngày làm sinh viên tại trường đại học. Hình thức hướng nghiệp này dù mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người học nhưng chưa được tổ chức rộng rãi do liên quan chi phí tổ chức, mối quan hệ giữa trường phổ thông với trường đại học, doanh nghiệp…
Đặc biệt, học sinh ở các khu vực vùng ven, huyện ngoại thành chưa có nhiều điều kiện tham gia các hoạt động tham quan thực tế, dẫn đến thiệt thòi trong việc tìm hiểu các ngành đào tạo ở bậc đại học.
Nhìn chung, các trường phổ thông đã có nhiều nỗ lực trong việc đa dạng hóa hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả tư vấn cho học sinh. Tuy nhiên, để hoạt động hướng nghiệp đi vào chiều sâu, đảm bảo quyền lợi người học, cần có thêm quy định về chế độ, chính sách cho giáo viên tham gia tư vấn hướng nghiệp để tạo động lực cho thầy, cô giáo nâng cao năng lực chuyên môn; cho phép trường học xã hội hóa công tác tổ chức hướng nghiệp nhằm tạo thêm nguồn lực tăng cường hiệu quả của hoạt động này.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/doi-moi-hoat-dong-huong-nghiep-phu-hop-post777838.html