Đổi mới hoạt động theo phương châm 'Đồng hành, chia sẻ và trách nhiệm'
Ngày 1.8, Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Hội nghị giao ban hai cấp giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thành phố 6 tháng đầu năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thanh Trà chủ trì hội nghị
6 tháng đầu năm, HĐND các cấp ban hành 1.115 nghị quyết
Báo cáo kết quả hoạt động của HĐND các cấp 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Hà Quang Giai trình bày khẳng định: HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh đã đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, bảo đảm đúng quy định pháp luật, chất lượng các mặt công tác ngày càng thiết thực, hiệu quả, dân chủ, hướng về cơ sở.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, HĐND các cấp đã tổ chức 251 kỳ họp, trong đó 155 kỳ thường lệ, 96 kỳ chuyên đề; ban hành 1.115 nghị quyết. Công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ họp, ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh có nhiều đổi mới, sáng tạo, bảo đảm hợp lý, khoa học cả về nội dung và thời gian tổ chức, nâng cao chất lượng kỳ họp theo hướng “thực chất và hiệu quả”; Chủ tọa điều hành linh hoạt, khoa học….
Hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình được đổi mới theo hướng trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn “đúng”, “trúng” những vấn đề lớn, vấn đề khó trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của các cơ quan nhà nước; liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, HĐND 3 cấp đã tiến hành 520 cuộc giám sát; tổ chức 64 cuộc khảo sát, 13 cuộc giải trình, 14 phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND và 6 phiên chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra và quy định của pháp luật...
Công tác TXCT, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, nhiều ý kiến, kiến nghị chính đáng được giải quyết, cơ bản đáp ứng được mong mỏi của cử tri và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Ban, các Tổ đại biểu à đại biểu HĐND ngày càng nâng cao. Mối quan hệ công tác giữa HĐND các cấp với cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và cử tri, Nhân dân ngày càng chặt chẽ, tạo sự thống nhất cao trong hoạt động...
Bên cạnh kết quả đạt được, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại hạn chế trong công tác hoạt động của HĐND các cấp trong tỉnh như: công tác chuẩn bị, tổ chức một số kỳ họp có nội dung chưa bảo đảm quy định về thời gian; việc tổ chức các phiên chất vấn, giải trình còn ít; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của HĐND, nhất là cấp huyện còn chậm...
Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, thực sự xứng đáng với vai trò cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm quý
Tại hội nghị, các đại biểu đã tiến hành thảo luận đánh giá khách quan, toàn diện về kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn vướng mắc và đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp trong các hoạt động của HĐND hai cấp.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong hoạt động, cụ thể đi sâu vào nội dung công tác phối hợp giữa Thường trực, các Ban HĐND với UBND cùng cấp, các cơ quan có liên quan trong việc chuẩn bị xây dựng nội dung, chương trình kỳ họp; kinh nghiệm thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết để hoạt động thẩm tra sâu, không bị động và các báo cáo thẩm tra tra thực sự trở thành tài liệu quan trọng.
Đối với hoạt động giám sát, khảo sát, các đại biểu cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm liên quan đến việc lựa chọn nội dung giám sát, khảo sát; hình thức và phương pháp giám sát, khảo sát, thu thập thông tin; việc xây dựng báo cáo kết quả giám sát, khảo sát; xây dựng báo cáo kết quả giám sát, khảo sát bằng hình ảnh. Sau giám sát lựa chọn, đề xuất, tổ chức các phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND, giải trình, chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất…
Từ thực tiễn hoạt động TXCT tại đơn vị, địa phương mình, các đại biểu đã chia sẻ những giải pháp để đổi mới cách thức, hình thức, phương pháp TXCT nhằm nâng cao chất lượng TXCT của đại biểu HĐND.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động
Nhằm nâng cao hơn vai trò, vị thế của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân đề nghị: HĐND các cấp tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, các cơ chế, chính sách của Nhà nước, các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các nghị quyết của HĐND, các chương trình, đề án, kế hoạch của UBND để cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách, các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2024 và giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tổ chức các kỳ họp HĐND, với phương châm chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, Thường trực HĐND các cấp cần chủ động đôn đốc, phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và các cơ quan có liên quan để chuẩn bị nội dung, tài liệu các kỳ họp.
Các Ban HĐND cần chủ động phối hợp các cơ quan chuyên môn của UBND cùng cấp khi xây dựng dự thảo các báo cáo, đề án, nghị quyết trình kỳ họp, đồng thời tăng cường công tác khảo sát trực tiếp tại cơ sở, đối tượng chịu tác động của chính sách để làm căn cứ thực tiễn trong quá trình tổ chức thẩm tra.
Mặt khác, cần đổi mới phương pháp điều hành các kỳ họp linh hoạt, sáng tạo; phát huy trí tuệ, trách nhiệm của đại biểu trong quá trình thảo luận, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thuận cao trong việc xem xét thông qua các dự thảo nghị quyết. Nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát, khảo sát. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thường trực HĐND các cấp cần bám sát các quy định cũng như trình tự, thủ tục để đảm bảo hoạt động giám sát đổi mới theo hướng thực chất, xác định rõ trách nhiệm, vì mục tiêu "Đồng hành, chia sẻ và trách nhiệm". Chú trọng thực hiện việc đánh giá, xem xét trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng Nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2024.
Tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung và phương pháp TXCT; kết hợp TXCT theo chuyên đề và nhóm đối tượng, bảo đảm các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri được phản ánh đầy đủ, chính xác để gửi đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết kịp thời, triệt để.
Cùng với đó, thực hiện tốt việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật; duy trì việc phối hợp tổ chức thực hiện tiếp công dân định kỳ để tạo điều kiện thuận lợi trong việc theo dõi có hệ thống quá trình giải quyết của UBND và các ngành chức năng, làm cơ sở cho Thường trực HĐND kiến nghị đúng trọng tâm, trọng điểm những vấn đề cần giải quyết góp phần rút ngắn thời gian giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo.
"Các cấp cần quan tâm thực hiện tốt Quy chế làm việc, Chương trình công tác của HĐND và Thường trực HĐND, Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND với UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của Thường trực HĐND trong công tác chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của các Ban, các Tổ đại biểu HĐND. Quan tâm đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND các cấp...", Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân nhấn mạnh.