Đổi mới hơn nữa phương thức lãnh đạo của Đảng trong các cơ quan báo chí
Hướng tới Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930/3-2-2019) và chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 6-12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí'.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng dự và chỉ đạo Hội thảo. Dự Hội thảo có gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan chỉ đạo, quản lý, các cơ quan chủ quản báo chí, các báo, tạp chí, đài PT-TH cả nước.
Hội thảo là dịp để các cấp ủy, tổ chức đảng trong cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, cơ quan báo chí đánh giá khách quan, khoa học tình hình công tác xây dựng Đảng và kết quả triển khai thực hiện Quy định 165-QĐ/TW, ngày 21-4-2006 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong cơ quan báo chí; Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 31-7-2008 của Ban Bí thư về tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí; Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới”; trên cơ sở đó, đề xuất các nội dung, giải pháp về công tác xây dựng Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động báo chí trong tình hình mới; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trình bày các tham luận tại hội thảo, các đại biểu từ các cơ quan báo chí trung ương, địa phương; các học giả và đại biểu từ một số tỉnh, thành đã nhấn mạnh: Gần đây, bên cạnh kết quả đạt được tương đối toàn diện thì công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, như tình trạng mất dân chủ, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên chưa được chú trọng, thiếu chiều sâu, chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Điều này dẫn tới vẫn còn hiện tượng một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng về công tác tư tưởng, văn hóa; thậm chí có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích; một số bài báo không trung thực, thiếu chính xác; một số cơ quan báo chí phản ánh quá nhiều về tiêu cực và tệ nạn xã hội, ít tuyên truyền về các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt... Việc lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi, vi phạm pháp luật vẫn xảy ra, đã tác động tiêu cực, gây bức xúc xã hội.
Hiện nay, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa diễn ra ngày càng phức tạp, gay gắt cùng sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình truyền thông trên internet đã đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động báo chí để đáp ứng những đòi hỏi của công tác thông tin, tuyên truyền trong tình hình mới. Để thực hiện tốt vai trò là vũ khí sắc bén trong công tác tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng trong cơ quan báo chí cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng, nhất là những vấn đề mới, phát sinh từ thực tiễn để đề xuất nội dung, giải pháp tăng cường công tác xây dựng Đảng, mà quan trọng nhất là từ chính đảng bộ, chi bộ của mình. Nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng tại chi bộ; nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, phát huy vai trò tiền phong của đảng viên, mà trước hết là nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ cấp ủy viên các cấp. Cần có quy định riêng thật chặt chẽ trong các khâu đánh giá, sử dụng cán bộ chủ chốt. Ngoài những tiêu chuẩn chung của một cán bộ thông thường, lãnh đạo cơ quan báo chí phải nhạy bén, có tinh thần đấu tranh mạnh mẽ.
Hơn bao giờ hết, việc xây dựng Đảng về đạo đức trong các cơ quan báo chí cần được quan tâm thực hiện; cán bộ đảng viên trong các cơ quan báo chí không chỉ chấp hành đúng các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực báo chí, mà phải gương mẫu trong chấp hành theo chuẩn mực đạo đức của người làm báo cách mạng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong cơ quan báo chí, nhất là những phương pháp mới, vừa phù hợp với yêu cầu hiện tại, vừa đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, phát huy tốt nhất vai trò lãnh đạo của Đảng ở các cơ quan báo chí./.