Đổi mới kiểm tra chuyên ngành sẽ tiết kiệm trên 1.300 tỷ đồng cho doanh nghiệp mỗi năm
Chia sẻ tại Diễn đàn Thuế - Hải quan 2021 do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức sáng nay, 15/12, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành bày tỏ mong muốn được tiếp tục đồng hành, đối thoại, cùng nhau giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp để tiếp tục cắt giảm chi phí, thời gian thông quan và đạt được hiệu quả sản xuất kinh doanh cao nhất, qua đó cũng giúp cho cơ quan hải quan hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Từ vụ “tắc” lô hàng hơn 22.000 hộp sữa viện trợ: Đến lúc phải thay "áo mới" cho kiểm tra chuyên ngành
Tìm kiếm nơi gửi tiết kiệm có lãi suất trên 7%/năm
Tối ưu hóa lợi ích cho doanh nghiệp trong kiểm tra chuyên ngành
Số hóa các chứng từ làm thủ tục hải quan
Bắt đầu từ năm 2020, đặc biệt là năm 2021, tình hình dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, diễn biến hết sức phức tạp tại nước ta, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chủ động thực hiện các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa.
Trong đó có các kết quả tích cực trong tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. Một số chứng từ, trước đây DN phải nộp bản giấy đến nay cũng được nộp bằng phương thức điện tử với chữ ký số, tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN .
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành phát biểu tại diễn đàn.
Là cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã tham mưu đẩy mạnh thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và đang chủ trì xây dựng Nghị định “Quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.
Việc đổi mới phương thức kiểm tra chuyên ngành theo dự thảo Nghị định ước tính sẽ tiết kiệm trên 1.300 tỷ đồng cho DN mỗi năm và tăng giá trị cho nền kinh tế trên 9.000 tỷ đồng.
Điểm thứ hai là ngành Hải quan tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực hải quan. Tổng cục Hải quan sẽ trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa Nghị định số 08/2015/TT-BTC về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, trong đó tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hải quan để giảm chi phí, thời gian thông quan cho DN.
Thứ ba là áp dụng đồng bộ các giải pháp để thông quan nhanh hàng hóa xuất nhập khẩu. Tổng cục Hải quan đã cùng với các Cục Hải quan địa phương thành lập các Tổ xử lý vướng mắc cho DN ngay trong ngày.
Bên cạnh việc trực và giải quyết nhanh tất cả các lô hàng vật tư y tế, thiết bị, vắc-xin, sinh phẩm… phục vụ phòng, chống dịch, các mặt hàng xuất khẩu qua biên giới cũng được chú trọng đẩy nhanh tốc độ thông quan.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin càng được đẩy mạnh, tạo thuận lợi cho DN thực hiện thủ tục hải quan.
Đáp ứng nhu cầu sử dụng mọi lúc, mọi nơi và mọi phương tiện
Trong thời gian tới dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, cuộc cách mạng 4.0,…sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của nước ta.
Diễn đàn có sự tham gia thảo luận của nhiều diễn giả đến từ Tổng cục Hải quan.
Thực hiện Nghị quyết đại hội đảng lần thứ XIII, chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và DN, Hải quan Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế, thực hiện hài hòa nhiệm vụ vừa tạo thuận lợi thương mại, vừa làm tốt công tác quản lý Nhà nước về hải quan, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong đó một trong các giải pháp chính là thực hiện hải quan số.
Đặc trưng của hải quan số là quản lý biên giới thông minh; quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái số; cung cấp dịch vụ tối ưu; kết nối và xử lý thông minh; minh bạch, công bằng, nhất quán.
Hệ thống này sẽ thiết lập môi trường dịch vụ số thân thiện, dễ dàng tiếp cận, có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi và trên mọi phương tiện, linh hoạt có thể đáp ứng sự thay đổi về quy định và chính sách, đảm bảo sự liền mạch, không đứt gãy trong hoạt động thương mại.
Các công nghệ mới được ứng dụng sẽ đảm bảo cho cơ quan hải quan trong việc tự động phân tích, xử lý thông tin; làm chủ công nghệ, thích ứng kịp thời với những thay đổi về môi trường hoạt động; sẵn sàng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, DN trong nước để phục vụ công tác quản lý.
Cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản, thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới, đảm bảo hàng hóa được thông quan, giải phóng nhanh chóng, giảm chi phí cho DN.
Đặc biệt, khuyến khích và tạo điều kiện để người dân, DN và các bên liên quan tham gia phản biện chính sách pháp luật, hợp tác với cơ quan hải quan trong thực thi và giám sát thực thi pháp luật; tích cực và chủ động tham vấn và tham gia tháo gỡ, giải quyết tốt các vướng mắc, xung đột giữa các bên trong hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tổng cục Hải quan mong muốn được tiếp tục đồng hành, đối thoại, cùng nhau giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động của DN để tiếp tục cắt giảm chi phí, thời gian thông quan và đạt được hiệu quả sản xuất kinh doanh cao nhất, qua đó cũng giúp cho cơ quan hải quan hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.