Đổi mới, linh hoạt công tác truyên truyền bảo hiểm xã hội
BHG - Tỉnh Hà Giang hiện có 849.911 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt 99,36% dự toán bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam giao, tăng 6.042 người (tăng 0,72%) so với cùng kỳ năm 2021. Để có được kết quả đó, đơn vị đã tích cực đổi mới công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT bằng các hình thức mới, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Những câu chuyện vui đưa chính sách đến người dân
Vừa bày hàng rau, củ ra bán hàng tại chợ xép Minh Khai (T.p Hà Giang), chị Hoàng Thị Nở, sinh năm 1991, dân tộc Pà Thẻn chủ động nhờ đoàn cán bộ BHXH tỉnh và Bưu điện tỉnh đang trong đợt ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tư vấn về chính sách. Chị Nở cho biết: “Tôi là người dân tộc thiểu số, được nhà nước cấp thẻ BHYT dân tộc rồi, bây giờ tôi muốn tham gia để được hưởng lương hưu khi về già thì phải làm thế nào, nhờ các anh chị tư vấn giúp tôi”. Sau mấy phút được cán bộ BHXH giải thích về chính sách, chị Nở hào hứng: “Đúng là của để dành khi về già cho mình nhỉ! Sau này có mất sức lao động nhưng vẫn có lương hưu và thẻ BHYT miễn phí. Tôi sẽ vận động người thân cùng tham gia”.
Tại điểm tuyên truyền chợ đầu mối cầu Trắng, anh Nguyễn Văn Ngọc, chủ cửa hàng bán hoa quả niềm nở tiếp đón chúng tôi, anh chia sẻ: Bản thân tôi làm cơ quan nhà nước được 11 năm, nay đã nghỉ việc, chốt sổ BHXH nhưng chưa lấy một lần. Do công việc bận rộn chưa có thời gian ra cơ quan BHXH tư vấn, rất may có đoàn cán bộ của đơn vị tuyên truyền, tôi hiểu được lợi ích khi tham gia BHXH, vì vậy tôi quyết định tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để nối tiếp quá trình 11 năm đóng BHXH bắt buộc trước đó. Đồng thời, anh Ngọc cũng đề nghị cán bộ BHXH hỗ trợ tham gia BHYT hộ gia đình để cả hai vợ chồng được thụ hưởng và cân nhắc tham gia BHXH tự nguyện thêm cho vợ anh Ngọc...
Đồng chí Lê Chí Diện, Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng, BHXH tỉnh cho biết: Trong bối cảnh khó khăn chung, Hà Giang xác định cần phải linh hoạt, đổi mới các hoạt động truyên truyền để phù hợp với nhiều nhóm đối tượng tiềm năng. Trong 6 tháng đầu năm, BHXH tỉnh đã phối hợp tổ chức được 34 hội nghị truyền thông, gồm: Tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, đối thoại, tập huấn, hội thảo, khách hàng… về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, thuyết phục được 117 người tham gia ngay tại hội nghị. BHXH cũng phối hợp tuyên truyền trực tiếp dưới hình thức các nhóm nhỏ với 994 cuộc, mang thông tin về chính sách đến với 5.253 người dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền trực quan như truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở; phát tờ rơi, tờ gấp; trên môi trường Internet, mạng xã hội của đơn vị; hội nghị trực tuyến... Nhờ đó đạt được những kết quả quan trọng, tính đến hết ngày 30.6, Hà Giang có tổng số 860.663 người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, đạt 98,43% dự toán BHXH Việt Nam giao, tăng 7.166 người so với cùng kỳ năm 2021.
Linh hoạt các giải pháp mở rộng bao phủ an sinh xã hội
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác tham mưu cho thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Thời gian qua, BHXH tỉnh Hà Giang đã tích cực gắn các hoạt động BHXH, BHYT vào hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; kịp thời tham mưu, đề xuất để Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành văn bản lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh, giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT... Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục thực hiện các quy chế, chương trình phối hợp đã ký và xây dựng, ký kết các quy chế phối hợp, hướng dẫn liên ngành mới để triển khai tổ chức tốt việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn. Ký quy chế phối hợp giữa cơ quan BHXH với các tổ chức hội đoàn thể và với UBND các xã, phường, thị trấn trên phạm vi toàn tỉnh...
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận và thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội. Hầu hết hồ sơ giao dịch của đơn vị sử dụng lao động với cơ quan BHXH được thực hiện giao dịch điện tử và giao dịch qua hệ thống bưu chính, rút ngắn được thời gian, chi phí cho các tổ chức, cá nhân. Đồng thời hạn chế được hồ sơ quá hạn, rất nhiều hồ sơ được trả trước thời hạn quy định... Các nội dung mới về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam cũng được Hà Giang tích cực thực hiện. Đặc biệt, thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của BHXH Việt Nam về việc thí điểm sử dụng Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám, chữa bệnh BHYT, Hà Giang đã có 1.285 người sử dụng CCCD gắn chíp thay thẻ BHYT giấy khi đi KCB và hệ thống tra cứu trả kết quả thành công, có 100/213 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT có bệnh nhân đến khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD...
Nhằm đạt mục tiêu mở rộng và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN mà BHXH Việt Nam giao, BHXH tỉnh Hà Giang đang đặt ra nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó sẽ phối hợp với các sở Lao động – Thương binh và xã hội, Y tế, Tài chính, Kế hoạch – đầu tư cùng các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh bổ sung chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT vào Nghị quyết HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm của tỉnh. Chủ động phối hợp với MTTQ tỉnh, Ban Dân tộc và các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT hộ gia đình tại các xã thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021, người thuộc hộ gia đình nghèo tiếp cận đa chiều theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP. Đồng thời, có kế hoạch tuyên truyền, vận động phù hợp để các nhóm chủ thể này tiếp tục tham gia BHYT, đảm bảo tính liên tục. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm người tham gia, tập trung vào nhóm là nông dân, lao động khu vực phi chính thức...