Đổi mới mạnh mẽ sẽ thu hút được nhiều người tài về nước cống hiến!
'Môi trường làm việc, đầu tư ở Việt Nam được cải cách càng tốt thì người tài với lòng yêu nước, tình cảm quê hương, truyền thống gia đình, dòng tộc, đất nước sẽ trở thành động lực thôi thúc cuốn hút họ về nước'.
Chảy máu chất xám là vấn đề gặp phải của các quốc gia đang phát triển và là một trong những nguyên nhân cho sự tụt hậu, đói nghèo kéo dài.
Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Theo nhiều chuyên gia để khắc phục tình trạng trên cần thiết phải có một chiến lược quốc gia về bồi dưỡng, đào tạo, thu hút và sử dụng nhân tài.
Trong nhiều năm qua, lượng học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đi học ở nước ngoài và không quay về nước lập nghiệp rất đông.
Nhiều người hiện có chỗ đứng trong giới nghiên cứu khoa học, thành danh trong nhiều lĩnh vực và có vị thế trong môi trường quốc tế. Nếu những con người tài năng này ra sức phụng sự đất nước thì đó là một động lực để đưa đất nước phát triển.
Bài toán đặt ra là làm sao để thu hút được lực lượng này đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng và phát triển cho quê hương, đất nước.
Tận dụng nguồn chất xám của người Việt đang ở nước ngoài là một cách để đưa đất nước phát triển (ảnh minh họa - nguồn internet).
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có trao đổi với ông Lê Văn Cuông, nguyên Đại biểu Quốc hội.
Theo ông Lê Văn Cuông, việc ra nước ngoài học tập rồi ở lại luôn đang là hiện tượng phổ biến không còn là cá biệt.
Lý do vì điều kiện làm việc ở nước ngoài có nhiều thuận lợi, tiền lương được trả cao hơn.
Nhiều thế hệ đi du học rồi ở lại trở thành phong trào do đó cần có biện pháp tổng thể để tránh tình trạng “chảy máu chất xám” kéo dài.
Muốn số lượng người tài năng về nước làm việc càng nhiều thì cần thiết phải có thiết chế để ràng buộc, quản lý, thu hút và sử dụng người tài.
Ông Lê Văn Cuông còn nhấn mạnh: “Khi đất nước ngày càng hòa nhập với quốc tế thì sẽ có nhiều Việt Kiều ở nước ngoài về Việt Nam làm việc, đầu tư.
Môi trường làm việc, đầu tư ở Việt Nam được cải cách càng tốt thì người tài với lòng yêu nước, tình cảm quê hương, truyền thống gia đình, dòng tộc, đất nước sẽ trở thành động lực thôi thúc cuốn hút họ về nước”.
Đối với những học sinh mới ra trường ông Lê Văn Cuông cũng cho rằng, cũng cần để họ có thời gian lăn lộn ở nước ngoài tích lũy kinh nghiệm, vốn sống sau đó mới về nước làm việc, cống hiến.
Nếu mới ra trường chưa được trải nghiệm thực tiễn mà vội quay về Việt Nam thì chưa hẵn đã phát huy được khả năng.
Với người trẻ kinh nghiệm thực tế chưa nhiều ở lại tìm hiểu tiếp cận khoa học kỹ thuật, cộng với thu nhập cao tạo nên cuộc sống tốt, ổn định, có điều kiện tập trung tâm huyết cho công việc là một hướng đi tích cực.
Đến một giai đoạn cần và đủ, chín muồi thì họ cần nghĩ về đất nước, quê hương, tìm cách về phục vụ, cống hiện cho đất nước.
“Hiện nay, các doanh nghiệp lớn ở nước ngoài đã chọn Việt Nam làm môi trường đầu tư. Các cơ sở nghiên cứu trong nước cũng đã tốt hơn nhiều so với trước đây.
Đang có nhiều nhà khoa học, nhiều việt kiều về đầu tư trong nước. Vì thế các tài năng người Việt cũng cần phải suy nghĩ chín chắn con đường trở về quê hương.
Các cháu học xong mà chưa về nước để làm việc thì cũng không nên vội vàng đánh giá mà cần có sự chia sẻ, thông cảm. Con người ta có từng giai đoạn, “trẻ xông pha già mẫu mực”.
Bây giờ hòa nhập với thế giới nếu ở đâu cũng luôn luôn hướng về quê hương, tìm cách tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng sau đó về nước cống hiến thì đó là điều rất tốt, đáng hoan nghênh” – ông Lê Văn Cuông nêu quan điểm.
Trước ý kiến, hiện Việt Nam có môi trường khởi nghiệp khá năng động tại sao các tài năng trẻ người Việt lại quay lưng với cơ hội này mà chọn lập nghiệp ở các nước phát triển thì theo vị này, khởi nghiệp đòi hỏi con người toàn diện.
Không phải học giỏi là có thể khởi nghiệp. Giỏi lý thuyết chưa hẵn đã thành công khi khởi nghiệp. Do đó rất ít người trẻ đi du học về dám lựa chọn con đường khởi nghiệp.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trước đó trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, đại biểu Quốc hội khóa 13 bà Bùi Thị An nêu quan điểm: “Việc lựa chọn làm việc ở đâu là quyền của mỗi người nhưng cũng cần suy nghĩ thêm về trách nhiệm nơi mình sinh ra và lớn lên, được học hành hết các năm phổ thông.
Vấn đề đặt ra là nước ta luôn muốn thu hút người tài nhưng vẫn chưa thu hút được.
Đối với người trẻ, tài năng, cái họ cần là môi trường làm việc, sự tôn trọng và hướng phát triển. Muốn thu hút được nhân tài thì phải có chế độ chính sách hấp dẫn.
Trong đó có chế độ đãi ngộ vật chất, điều kiện làm việc cần tương xứng với trí tuệ. Chúng ta có thể có những thiết bị hiện đại nhưng môi trường làm việc như thế nào, chế độ lương bổng có phù hợp không đó là những vấn đề cần phải được thảo luận và cụ thể hóa bằng các chính sách hấp dẫn”.
Việc “chảy máu chất xám” lâu dài của nước ta trong thời gian dài cần thiết phải được khắc phục bằng các chính sách tổng thể. Từ việc giáo dục ý thức của công dân với dân tộc đến các chính sách hấp dẫn và môi trường làm việc thăng tiến. Có như vậy, người tài mới phát huy được khả năng, năng lực. Nếu không có một chính sách tổng thể thì người tài nước ta vẫn ra nước ngoài làm việc.