Đổi mới mạnh mẽ thể chế, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế
Sáng 9-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia chủ trì phiên họp của Hội đồng để thống nhất các chủ trương lớn trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ thời gian từ nay đến hết năm 2020.
Phát biểu kết luận, ghi nhận các ý kiến đóng góp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Ngân hàng Nhà nước, cơ quan thường trực của Hội đồng và Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện báo cáo kiến nghị của Hội đồng tại cuộc họp để Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước về vĩ mô tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng ghi nhận các ý kiến cho rằng, xu hướng các nước là tiếp tục thực hiện giải pháp kích thích kinh tế, cả về tài khóa và tiền tệ. “Tuy nhiên, các đồng chí lưu ý, nguy cơ tiếp theo là khủng hoảng nợ công, khủng hoảng hệ thống tài chính, tiền tệ và nợ xấu có thể xảy ra và nếu xảy ra thì cuộc khủng hoảng này sẽ tiếp tục đẩy thế giới lún sâu vào suy thoái nặng nề hơn”. Việt Nam là nước hội nhập quốc tế sâu rộng, Thủ tướng cho rằng cần lưu ý cảnh báo này trong điều hành cụ thể.
Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề then chốt là đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện thể chế, chính sách và cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh có khả năng cạnh tranh tốt hơn trong khu vực và quốc tế, nhằm mục tiêu thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, thu hút luồng dịch chuyển đầu tư khu vực quốc tế, sự dịch chuyển lớn trên toàn cầu. Cơ chế chính sách phải tái cơ cấu nền kinh tế, các ngành, các lĩnh vực.
Thủ tướng tán thành với các ý kiến tại buổi làm việc là đẩy mạnh hơn nữa truyền thông, tạo đồng thuận xã hội để thống nhất ý chí qua đó góp phần củng cố niềm tin toàn xã hội với khí thế mới thúc đẩy nền kinh tế trong lúc khó khăn như hiện nay. Về kịch bản tăng trưởng, lạm phát, với bối cảnh hiện nay, Hội đồng thống nhất kịch bản tăng trưởng từ 3-4%.
Thủ tướng kết luận: Kiểm soát lạm phát dưới 4%. Kiên quyết không để mất niềm tin vào công tác chỉ đạo, điều hành, đây là yếu tố quan trọng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bộ liên quan tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng theo từng quý, kể cả lạm phát. Thường xuyên kiểm điểm, đánh giá thực hiện và có đối sách đối với vấn đề cấp bách, phát sinh…