Đổi mới mô hình hoạt động trường chuyên
Tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với giáo viên, học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng diễn ra mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nêu định hướng phát triển trường chuyên trong thời gian tới.
Trường chuyên không chỉ luyện “gà nòi”
Thông tin từ Hội thảo Khoa học trại hè Hùng Vương lần thứ XVIII năm 2024 diễn ra cuối tuần qua tại trường THPT chuyên Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho thấy, hệ thống trường chuyên trên cả nước hiện có 77 trường được củng cố và phát triển từ 68 trường chuyên năm 2010. Đến nay, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 trường chuyên, có nơi có 2 trường chuyên.
Thống kê về quy mô HS năm 2020 cho thấy, tổng số học sinh (HS) chuyên chiếm khoảng 2,7% số HS THPT trên toàn quốc. Mô hình hoạt động trường chuyên trong những năm qua đã khẳng định được vị trí tiên phong trong việc giáo dục mũi nhọn từ số lượng và chất lượng. Số lượng giải quốc tế của HS Việt Nam đã có được sự chuyển biến rất tích cực qua các năm.
Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn về việc có nên tiếp tục duy trì hệ thống trường chuyên trong bối cảnh triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu giúp HS phát triển năng lực, phẩm chất toàn diện. Bởi một số ý kiến cho rằng, trường chuyên là nơi đào tạo “gà nòi”, HS được đào tạo thiên lệch môn chuyên thay vì tất cả các môn…
Trước ý kiến này, PGS.TS Đặng Đức Vượng - Phó trưởng Khoa Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, người có nhiều năm tham gia dẫn đoàn HS Việt Nam dự Olympic Vật lý quốc tế cho rằng, để phát triển chuyên sâu nhiều lĩnh vực, cần phải có sự đầu tư tập trung. Trường chuyên, lớp chọn theo quan điểm của ông Vượng là sự đầu tư cần thiết giúp tạo môi trường cho các em HS phát triển và nỗ lực hết bản thân của mình.
“Tôi đã trao đổi với nhiều nước bạn và thấy công tác tuyển chọn HS giỏi của nhiều nước đều làm rất bài bản. Có ý kiến cho rằng ở nước ngoài họ không tuyển chọn, luyện gà nòi… nhưng thực tế họ có những hiệp hội đảm nhiệm việc tuyển chọn HS giỏi khắt khe. Sau khi các em được tuyển chọn xong, sẽ gần như sống cùng với những phòng thí nghiệm ở các trường đại học và được các giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực đó đào tạo trong một thời gian rất dài. Đã có thi đấu thì phải có ôn luyện, đào tạo. Những lớp tài năng, lớp chọn hoặc tương tự như vậy là cái nôi để phát triển những tài năng này” - ông Vượng chia sẻ quan điểm ủng hộ việc duy trì hệ thống trường chuyên, lớp chọn trong bối cảnh hiện nay.
Phát triển toàn diện Văn - Thể - Mỹ
Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GDĐT cho biết, bồi dưỡng HS giỏi là một công việc khó khăn và lâu dài, đòi hỏi nhiều công sức của thầy và trò. Bộ GDĐT luôn xác định đào tạo mũi nhọn HS giỏi là ưu tiên hàng đầu của ngành giáo dục nước ta. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là thường xuyên tuyên dương những em đạt thành tích xuất sắc nhằm khơi dậy ý chí phấn đấu học tập, đồng thời động viên, cổ vũ những thế hệ HS tiếp theo không ngừng vươn lên trong hành trình chinh phục đỉnh cao trí tuệ.
Tại cuộc gặp của Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn với giáo viên, HS Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng diễn ra cuối tuần qua, Bộ trưởng khẳng định, hệ thống trường chuyên có nhiều đóng góp với tính chất dẫn dắt hệ thống, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nhân lực cao cho đất nước. Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư về trường chuyên, theo đó, mô hình trường chuyên sẽ triển khai ổn định, không có sự thay đổi.
Tuy nhiên, ông Sơn nhấn mạnh, trong giai đoạn mới, mô hình trường chuyên cần đổi mới. Trong sự đổi mới đó, trước hết trường chuyên không được quên phát triển toàn diện HS để các em được học đầy đủ các môn không chuyên khác. Nếu chỉ chăm chú vào môn chuyên và bớt đi môn không chuyên là có lỗi với HS, dẫn tới thiên lệch. Các em cũng phải được tập luyện thể thao, học nghệ thuật, các em có tư chất trí tuệ tốt càng phải trong một thân thể tốt, cảm xúc tốt. Đề nghị thầy cô tăng cường chủ động, sáng tạo của HS trong chính môn chuyên, chứ không chỉ hỗ trợ để các em đi thi và đạt các giải thưởng. Con đường đến thành tích, giải thưởng cần phải đổi mới để kích thích sáng tạo của các em.
Ông Sơn cũng nhắc tới vai trò dẫn dắt của trường chuyên với hệ thống giáo dục phổ thông, đặc biệt trong bối cảnh đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vai trò này thể hiện ở việc giáo viên trường chuyên với năng lực chuyên môn sâu cần thiết trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các trường khác trong dạy học các môn mới, trong kiểm tra, đánh giá… bởi vì mô hình trường chuyên sinh ra không chỉ để làm tốt cho ngôi trường đó.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/doi-moi-mo-hinh-hoat-dong-truong-chuyen-10275948.html