Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện đề án 'Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu'. Đây là bước đi quan trọng nhằm tiếp tục cắt giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu”. Đây là bước đi quan trọng nhằm tiếp tục cắt giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp.

Theo đề án, Cục Kiểm định Hải quan (Tổng cục Hải quan) ngoài nhiệm vụ truyền thống là phân tích, kiểm định hàng hóa, sẽ tham gia kiểm tra đối với hàng hóa có rủi ro cao, mẫu hàng hóa cần được kiểm nghiệm chuyên ngành. Do vậy, việc nâng cao năng lực, có tính chuyên nghiệp cao là vấn đề then chốt để chung tay cùng các đơn vị kỹ thuật của các bộ quản lý chuyên ngành, tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận sự phù hợp trong công tác kiểm soát chất lượng, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa xuất, nhập khẩu, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng nhưng vẫn tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.

Trước hết, Cục Kiểm định Hải quan tập trung nâng cao chất lượng sáu phòng thí nghiệm tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Tất cả các phòng thí nghiệm đều bảo đảm đạt chuẩn TCVN ISO/IEC 17025:2017 (Vilas) với máy móc, thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu phân tích, kiểm định tại địa điểm kiểm tra thực tế cũng như trong phòng thí nghiệm. Tại các phòng thí nghiệm này đều đang thực hiện thử nghiệm kiểm tra một số loại hàng hóa nông sản, thực phẩm chức năng, phân bón... theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn do các bộ, ngành ban hành. Trong năm 2020, Cục Kiểm định Hải quan sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra trọng điểm một số mặt hàng, nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra hải quan đối với thực tế hàng hóa xuất, nhập khẩu ngay tại cửa khẩu. Bên cạnh đó, ngành tập trung tạo hành lang pháp lý cho công tác kiểm định hải quan bằng việc sửa đổi các văn bản quy phạm như: Thông tư sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2015/TT-BTC; Thông tư sửa đổi Thông tư 14/2015/TT-BTC; Nghị định 08/2015/NĐ-CP; Nghị định 59/2018/NĐ-CP... Bởi hoạt động phân tích trong kiểm định hải quan không chỉ nhằm mục đích phân loại, áp mã số hàng hóa, mà còn là việc các đơn vị kiểm tra hàng hóa bằng trang thiết bị kỹ thuật và các biện pháp nghiệp vụ sẽ đối chiếu, xác định thực tế hàng hóa với nội dung khai báo và các quy định của pháp luật liên quan.

Đại diện Cục Kiểm định Hải quan cho biết, đề án ưu tiên việc thực hiện minh bạch và tối ưu hóa quy trình, không kiểm tra tràn lan, lãng phí nguồn lực, bảo đảm thời gian kiểm tra đúng quy định, tăng cường áp dụng quản lý rủi ro và công nghệ thông tin trong hoạt động đánh giá, chọn lọc đối tượng kiểm tra, hiện đại hóa kết nối nội dung một cửa quốc gia. Bên cạnh đó, gấp rút xây dựng, hoàn thiện quy trình tổng thể về việc tiếp nhận, thực hiện kiểm định với điểm nổi bật là mã hóa mẫu yêu cầu kiểm định phân tích, đơn vị kiểm định tiếp nhận mẫu đã mã hóa và không có thông tin về số tờ khai, người khai hải quan, giúp công tác phân tích, kiểm định thực hiện minh bạch. Đề án xác định, nhiệm vụ kiểm định hải quan là cánh tay nối dài của công tác kiểm hóa, do đó cần chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, tích cực học hỏi hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực khai thác, vận hành thiết bị hiện đại. Quá trình xây dựng lực lượng bảo đảm tinh gọn, hợp lý, đề cao đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chống tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực khi thực hiện nhiệm vụ.

VĨNH KHANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/doi-moi-mo-hinh-kiem-tra-chat-luong-hang-hoa-xuat-nhap-khau-610777/