Đổi mới mô hình quản lý để tự chủ đại học

Tự chủ đại học (TCĐH) không phải vấn đề mới, nhưng trong điều kiện của nước ta hiện nay, để thực hiện thành công TCĐH và tự do học thuật, cần phải có tư duy mở từ các cấp và đổi mới mạnh mẽ mô hình quản lý. Bên cạnh đó, cần tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).

Tháo gỡ nhiều vướng mắc

Từ năm 2005 đến nay, trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, vấn đề đổi mới quản lý, GDĐH luôn được thể hiện xuyên suốt, trong đó vấn đề TCĐH được xem là xu thế tất yếu. Và mới nhất là Luật GDĐH sửa đổi, bổ sung (Luật số 34/2018/QH14), có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học. Trong đó, quy định khá chi tiết về việc giao quyền tự chủ cho các trường trong học thuật và hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản.

 Sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP Hồ Chí Minh) trong giờ thực hành.

Sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP Hồ Chí Minh) trong giờ thực hành.

Theo PGS, TS Phan Thị Bích Nguyệt, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Kinh tế TP Hồ Chí Minh, có một thực tế các trường ĐH đang trăn trở là làm thế nào để tự chủ mà không vướng luật? Bởi lẽ, cơ sở pháp lý về TCĐH hiện thiếu đồng bộ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn những quy định chưa phù hợp đối với quá trình vận hành của các trường được giao tự chủ, một số văn bản quy định còn thiếu tính cụ thể, khó khăn khi triển khai. Còn GS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng băn khoăn: “Nếu theo các quy định hiện nay về trường công lập tự chủ thì Trường ĐH Tôn Đức Thắng thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhưng từ khi thành lập đến nay, trường không nhận nguồn tiền từ ngân sách. Tất cả dự án đầu tư đều được trường sử dụng vốn tự có (vốn tích lũy và vốn vay), tuân thủ theo đúng quy định của Luật Xây dựng. Tuy vậy, có cơ quan chức năng sẽ bắt buộc trường công thì phải theo Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công”.

Theo các chuyên gia, TCĐH có bốn phần chính là học thuật, tổ chức, tài chính và nhân sự. TCĐH hiện nay chỉ mới bắt đầu ở Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và một số trường ĐH, công việc liên quan rất nhiều đến các luật, bộ ngành khác, như: Tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản công, nội dung chương trình… Ngoài ra, còn có sự chồng chéo trong quản lý. Chẳng hạn, một trường ĐH ngành y vừa chịu sự quản lý, chi phối của địa phương, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế. Để kiện toàn TCĐH và xây dựng tự do học thuật là quá trình cần có những bước đi vững chắc, nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào sự chung tay của cả hệ thống.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT chia sẻ, lĩnh vực giáo dục còn bị ràng buộc bởi nhiều luật khác nên hành lang pháp lý để thực hiện TCĐH 100% như Luật số 34 còn nhiều vướng mắc cho các trường. Các luật có liên quan, như: Luật Đầu tư công, Luật Tài chính, Luật Công chức viên chức… cần được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện để hình thành khung pháp lý thực hiện TCĐH đồng bộ, nhất quán và có tính khả thi.

Tự chủ để trưởng thành, chất lượng cao hơn

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam cho rằng: TCĐH sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các trường công lập, tạo sinh khí mới cho nền ĐH nước ta. Muốn hội nhập thành công, các cơ sở GDĐH cần có quyền tự chủ. Sự can thiệp hiện nay của cơ quan chủ quản về vấn đề bổ nhiệm nhân sự, đầu tư... đã làm hạn chế quyền của hội đồng trường, trong khi Luật số 34 đã quy định rất rõ quyền của hội đồng trường. Hội đồng trường là cơ quan quan trọng nhất trong TCĐH. Tự chủ không có mục đích tự thân. Tư duy về tự chủ là tư duy phát triển, cho phát triển, để phát triển và vì sự phát triển. Mục đích của tự chủ là để trưởng thành và có chất lượng cao hơn.

 Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh) trong giờ thực hành.

Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh) trong giờ thực hành.

Theo các chuyên gia ngành giáo dục, khi các cơ sở GDĐH có quyền tự chủ cao trong xác định sứ mạng, chức năng và kế hoạch dài hạn, trong chủ động tìm hiểu và kết nối với các đối tác ở nước ngoài thì các trường mới đạt được đầy đủ các hiểu biết toàn diện trên đây để thực hiện hội nhập tốt. Ngoài ra, cần nâng cao vai trò của hội đồng trường, tổ chức giám sát hoạt động của từng trường, đổi mới công tác quản trị nhà trường theo tinh thần TCĐH. Tuy nhiên, vấn đề nào chưa đủ căn cứ, độ chín mùi thực hiện thì cho thí điểm để có thực tiễn bổ sung, sửa đổi.

Đề xuất thêm giải pháp, TS Vũ Ngọc Hoàng, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng cho rằng: Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, cho mở khung pháp lý về vai trò tự chủ của các cơ sở ĐH để quản lý chất lượng đầu ra, cần hình thành các tổ chức kiểm định do các hiệp hội ĐH và hiệp hội chuyên ngành tạo ra. Còn cơ quan quản lý nhà nước thì kiểm tra đánh giá và cấp phép, hoặc thu giấy phép hoạt động cho các tổ chức kiểm định ấy. Trừ các trường chuyên ngành của công an và quân đội nên nghiên cứu bỏ việc cơ quan chủ quản các trường ĐH. Bộ GD&ĐT chuyển vai trò từ cơ quan chủ quản sang quản lý nhà nước, nghĩa là từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Điển hình về mô hình TCĐH, Trường ĐH Tôn Đức Thắng nhiều năm qua đã tự chủ về mặt tài chính, thu chi cũng như việc tuyển sinh, tuyển giảng viên, cán bộ của nhà trường. Trường này đã đạt nhiều thành tựu, vươn lên là một trong những trường ĐH lớn ở Việt Nam và châu lục dù có lịch sử hình thành khá non trẻ. Chia sẻ về kinh nghiệm thành công, GS Lê Vinh Danh cho rằng, trường đã xây dựng thành công các vấn đề lớn: Lực lượng chuyên môn cao, chất lượng giáo dục, khoa học công nghệ, quốc tế hóa, cơ sở vật chất, văn hóa-văn minh ĐH, quản lý ĐH. Trường đã đào tạo hàng chục nghìn sinh viên cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Hiện nhà trường là đơn vị duy nhất cam kết đào tạo sinh viên ra trường sau 12 tháng sẽ có việc làm, giúp nhiều em rất an tâm. Những kết quả mà trường đạt được như hiện nay chính là nhờ nhà trường quyết liệt thực hiện quyền tự chủ.

Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Bộ GD&ĐT luôn đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng phân định rõ việc quản lý nhà nước với quản trị đơn vị sự nghiệp công lập và việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Bộ đã có những quy định hướng dẫn các cơ sở trực thuộc bộ này quy trình hoàn toàn tự chủ. Theo đó, những chức danh nào hội đồng trường có quyền quyết định thì hội đồng trường thực hiện quy hoạch. Ví dụ, khi trình lên nhân sự hiệu trưởng thì Bộ GD&ĐT chỉ xem xét có đúng tiêu chuẩn và quy trình, nếu đúng thì bộ không can thiệp về con người. Con người do các quy trình ở trường giới thiệu và bộ chỉ công nhận theo đúng luật.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/doi-moi-mo-hinh-quan-ly-de-tu-chu-dai-hoc-605357