Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục trung học
Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục sẽ góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Ảnh: TRUNG HIẾU
Ngành Giáo dục Phú Yên đang thực hiện kế hoạch Nâng cao chất lượng giáo dục trung học giai đoạn 2021-2025. Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh nội dung này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Ngô Ngọc Thư cho biết:
- Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở GD-ĐT lần thứ X nhiệm kỳ 2020-2025 về việc nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS và tỉ lệ thanh niên có trình độ học vấn THPT giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, sở đã xây dựng kế hoạch tổng thể nâng cao chất lượng giáo dục trung học giai đoạn 2021-2025. Trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện cả về tri thức, đạo đức, lối sống và kỹ năng. Qua đó góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới và thực hiện thắng lợi mục tiêu: xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện, gắn phát triển tri thức với phát triển thể chất, đạo đức, kỹ năng xã hội đã được Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
* Ông có thể nói rõ cụ thể từ nay đến năm 2025, ngành Giáo dục sẽ thực hiện những nhiệm vụ gì?
- Sở GD-ĐT đã đặt ra 8 chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể. Một là tăng cường quản lý chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới kiểm tra đánh giá để thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học. Hai là triển khai mô hình trường học đổi mới cấp THCS, THPT theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Ba là tăng cường chất lượng đội tuyển học sinh giỏi dự thi quốc gia. Bốn là thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh. Năm là triển khai thực hiện hiệu quả đề án Ngoại ngữ quốc gia đến năm 2025. Sáu là tổ chức hiệu quả các giải thể thao học đường. Bảy là tiếp tục đổi mới quản lý chuyên môn, đơn giản hóa hồ sơ sổ sách giáo viên, nhà trường. Tám là đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập, dòng họ khuyến học, địa phương khuyến học, từng bước nâng cao dân trí, nâng cao chuẩn biết chữ cho độ tuổi 15-60 theo Nghị định 20/2014, ngày 24/3/2014 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Kế hoạch 161 của UBND tỉnh về triển khai đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025. Tập trung chỉ đạo, lãnh đạo các phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường phổ thông trên địa bàn thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh THCS, THPT trên địa bàn tỉnh; làm tốt công tác giáo dục toàn diện học sinh theo định hướng phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh…
Đến năm 2025 sẽ huy động 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6; 60-70% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10; bảo đảm thanh thiếu nhi trong độ tuổi đi học có trình độ phổ thông bằng hoặc hơn tỉ lệ bình quân cả nước (trên 85% có bằng THPT hoặc tương đương). Đồng thời phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có trên 60% trường THCS đạt chuẩn, trên 40% trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
* Ngành Giáo dục có những giải pháp nào để hoàn thành những nhiệm vụ nói trên, thưa ông?
- Ngành Giáo dục đã xây dựng chuyên đề dạy học, tổ chức dạy học tích hợp liên môn, giáo dục tích hợp bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, trải nghiệm sáng tạo; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học; tổ chức dạy học thông qua di sản, thực địa, gắn với sản xuất kinh doanh, dịch vụ, làng nghề, hướng nghiệp phân luồng… và gắn với nội dung giáo dục địa phương; ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thiết bị dạy học trong đổi mới dạy học, công tác quản lý đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá.
Ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hỗ trợ các hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Ngành Giáo dục cũng sẽ đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra đánh giá theo hướng chú trọng đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh. Ngoài ra, từng giáo viên, từng trường cần chú trọng đánh giá quá trình: đánh giá trên lớp, đánh giá bằng hồ sơ, đánh giá bằng nhận xét, tăng cường hình thức đánh giá thông qua sản phẩm dự án, bài thuyết trình, kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học… Các hình thức kiểm tra, đánh giá đều hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
* Xin cảm ơn ông!
HIẾU TRUNG (thực hiện)
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/269445/doi-moi-nang-cao-chat-luong-giao-duc-trung-hoc.html