ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ KỲ HỌP QUỐC HỘI LÀ YÊU CẦU TẤT YẾU, THƯỜNG XUYÊN, LIÊN TỤC

Sáng ngày 01/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp lần thứ Nhất của Ban Chỉ đạo Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả Kỳ họp Quốc hội.

Tham dự cuộc họp còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả Kỳ họp Quốc hội.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả Kỳ họp Quốc hội được thực hiện theo Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, và Nghị quyết số 277 ngày 23/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Toàn cảnh cuộc họp lần thứ Nhất của Ban Chỉ đạo Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả Kỳ họp Quốc hội.

Toàn cảnh cuộc họp lần thứ Nhất của Ban Chỉ đạo Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả Kỳ họp Quốc hội.

Cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn của Đề án đã khá đầy đủ. Trong đó, có 3 cơ sở đặc biệt quan trọng dựa trên Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII yêu cầu tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong việc thực hiện các chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội khóa 15 có nhiều khởi sắc và đạt chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong giai đoạn mới.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Trần Thanh Mẫn, cơ sở thực tiễn của việc cải tiến, đổi mới hoạt động là yêu cầu tất yếu, thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình hoạt động của Quốc hội. Trong những khóa gần đây và kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 15 vừa qua, tinh thần đổi mới tại các kỳ họp luôn được quan tâm, chú trọng.

Cách thức triển khai xây dựng Đề án cần bảo đảm mục đích, yêu cầu, tiến độ, chất lượng, nhiệm vụ được phân công. Bám sát chủ trương của Đảng, các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đã xác định về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội đổi mới, cải tiến kỳ họp.

Các đại biểu tham dự cuộc họp.

Các đại biểu tham dự cuộc họp.

Kế thừa các kết quả tích cực từ việc thi hành Nội quy kỳ họp tại các kỳ họp trước và sự liên thông với các Đề án đổi mới khác đang được triển khai, nghiên cứu thì việc xây dựng được tiến hành khẩn trương, đúng tiến độ và đưa ra được đề xuất, kiến nghị có tính khả thi cao. Trước tiên, cần hoàn thiện dự thảo Đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 10/2021 để xem xét, báo cáo Quốc hội cho thí điểm triển khai một số vấn đề tại kỳ họp thứ 2 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nội quy. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo sẽ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp.

Phát biểu ý kiến tại Phiên họp, đa số các thành viên đều thống nhất với việc triển khai xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả Kỳ họp Quốc hội và cho rằng, Đề án cần kế thừa các kết quả tích cực từ việc thi hành Nội quy kỳ họp, các đổi mới, cải tiến đã được thực hiện tại các kỳ họp từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay. Việc xây dựng Đề án cần đặt trong tổng thể, có sự liên thông với các Đề án đổi mới khác (như: Đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội; Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Ban Thư ký; Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Truyền hình Quốc hội Việt Nam; Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Báo Đại biểu nhân dân; ...); việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các quy định khác có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Quốc hội đang được nghiên cứu, triển khai.

Việc xây dựng Đề án cần được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, bảo đảm tiến độ đề ra; đưa ra được đề xuất, kiến nghị có tính khả thi. Trước mắt, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 10/2021 để xem xét, báo cáo Quốc hội cho thí điểm triển khai một số vấn đề tại kỳ họp thứ 2 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nội quy. Căn cứ kết quả của Đề án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét quyết định việc tiếp tục nghiên cứu hay kết thúc Đề án.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đóng góp ý kiến tại cuộc họp.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đóng góp ý kiến tại cuộc họp.

Tại phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã công bố Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập Ban chỉ đạo. Theo đó, Ban chỉ đạo Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội gồm 16 thành viên, do ông Trần Thanh Mẫn làm Trưởng Ban.

Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, đề án cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh sự trùng lắp các nội dung. Tổ Biên tập sẽ tổng hợp các ý kiến của các thành viên để tổ chức triển khai thực hiện, đan xen cả nội dung. Các chuyên đề cũng cần được xem xét kỹ lưỡng. Hình thức tổ chức Kỳ họp Quốc hội trong tình hình dịch bệnh cũng phải được đưa ra, có thể là trực tiếp kết hợp trực tuyến hoặc nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì có thể tổ chức Kỳ họp theo hình thức trực tuyến.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt nêu quan điểm: Đổi mới của kỳ họp Quốc hội là nội dung rất quan trọng vì sẽ tác động đến hoạt động các lĩnh vực khác. Vì vậy, nên giành nhiều thời gian cho nghiên cứu Đề án Kỳ họp, tránh lãng phí, đảm bảo yêu cầu đặt ra.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa xã hội Phan Viết Lượng đề nghị Ban Chỉ đạo tập trung ưu tiên, lựa chọn những nội dung cần thiết để có thể áp dụng trong kỳ họp tới, trong đó lựa chọn một số nội dung thí điểm. Lựa chọn phương án tốt nhất thì nên ưu tiên tập trung vấn đề gì chắc chắn nhất, hiệu quả nhất như những vấn đề quy trình, thủ tục thực hiện Kỳ họp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận cuộc họp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận cuộc họp.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Trần Thanh Mẫn đánh giá cao ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo đóng góp ý kiến cho Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả Kỳ họp Quốc hội trên tinh thần nghiêm túc, xây dựng cao.

Về cơ bản, các thành viên thống nhất cho rằng, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả Kỳ họp Quốc hội là cần thiết và phải phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đặt ra nên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Các chuyên đề, nội dung cũng cần bàn thảo cụ thể, đảm bảo tránh trùng lắp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu trong tháng 9/2021, Ban Chỉ đạo phải rà soát, xem xét lại việc triển khai xây dựng Đề án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào tháng 10/2021 và đưa ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 để các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến cũng như cố gắng hoàn chỉnh Đề án vào Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV./.

Bích Lan-Bùi Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/pho-chu-tich/pages/pct-tran-thanh-man.aspx?itemid=58371