Đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp Quốc hội

Ngày 1/9, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội.

Quang cảnh cuộc họp.

Quang cảnh cuộc họp.

Tại cuộc họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban Chỉ đạo Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội. Theo đó, Ban Chỉ đạo gồm 16 thành viên do ông Trần Thanh Mẫn làm Trưởng Ban.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo Trần Thanh Mẫn nêu rõ Đề án được thực hiện theo chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 277 ngày 23/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn của Đề án đã khá đầy đủ. Trong đó, có 3 cơ sở đặc biệt quan trọng dựa trên Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII yêu cầu tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong việc thực hiện các chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội khóa XV có nhiều khởi sắc và đạt chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong giai đoạn mới.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cơ sở thực tiễn của việc cải tiến, đổi mới hoạt động là yêu cầu tất yếu, thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình hoạt động của Quốc hội. Trong những khóa gần đây và kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV vừa qua, tinh thần đổi mới tại các kỳ họp luôn được quan tâm, chú trọng.

Cách thức triển khai xây dựng Đề án cần bảo đảm mục đích, yêu cầu, tiến độ, chất lượng, nhiệm vụ được phân công. Bám sát chủ trương của Đảng, các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đã xác định về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội đổi mới, cải tiến kỳ họp.

Thảo luận tại cuộc họp, đa số các thành viên đều thống nhất với việc triển khai xây dựng Đề án này và cho rằng Đề án cần kế thừa các kết quả tích cực từ việc thi hành Nội quy kỳ họp, các đổi mới, cải tiến đã được thực hiện tại các kỳ họp từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay. Việc xây dựng Đề án cần đặt trong tổng thể, có sự liên thông với các đề án đổi mới khác.

Việc xây dựng Đề án nói trên cần được triển khai khẩn trương, nghiêm túc, bảo đảm tiến độ đề ra; đưa ra được đề xuất, kiến nghị có tính khả thi. Trước mắt, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 10/2021 để xem xét, báo cáo Quốc hội cho thí điểm triển khai một số vấn đề tại kỳ họp thứ 2 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp. Căn cứ kết quả của Đề án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét quyết định các vấn đề tiếp theo.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo đóng góp cho Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội trên tinh thần nghiêm túc, xây dựng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu trong tháng 9/2021, Ban Chỉ đạo phải rà soát, xem xét lại việc triển khai xây dựng Đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 10/2021; lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội vào kỳ họp thứ 2 và cố gắng hoàn chỉnh Đề án vào kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/doi-moi-nang-cao-chat-luong-ky-hop-quoc-hoi/444965.vgp