Đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận trong toàn lực lượng, lấy hiệu quả giải quyết vấn đề thực tiễn từ các sản phẩm khoa học làm cơ sở đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học.
Chiều 5/4, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã chủ trì buổi làm việc với Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an. Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ; các đồng chí trong Đảng ủy, lãnh đạo, cán bộ chủ chốt Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an...
Báo cáo với Bộ trưởng khái quát tình hình các mặt công tác, Trung tướng Trần Vi Dân, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an cho biết, trải qua hơn 5 năm thành lập và triển khai hoạt động, với hai lần kiện toàn tổ chức bộ máy, đơn vị ngày càng lớn mạnh, trưởng thành. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và sự quan tâm, phối hợp, giúp đỡ của Công an các đơn vị, địa phương, các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, thời gian qua, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND.
Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an đã bám sát thực tiễn, phối hợp Công an các đơn vị, địa phương, các ban, bộ, ngành tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Hội đồng Lý luận Bộ Công an triển khai nghiên cứu nhiều vấn đề lý luận, khoa học, chiến lược, lịch sử xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn ở các cấp độ cơ bản, liên ngành; ngành, lĩnh vực; chuyên ngành, chuyên sâu. Qua đó, đem lại kết quả thiết thực, góp phần để lý luận khoa học CAND luôn phát triển, tươi mới, thống nhất với thực tiễn và làm tốt hơn vai trò chỉ dẫn thực tiễn.
Phát huy vai trò đơn vị chủ trì tổ chức, quản lý công tác nghiên cứu lý luận, nghiên cứu chiến lược, lịch sử, tạp chí, thông tin và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong CAND, góp phần tạo nề nếp trong nghiên cứu; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thể hiện vai trò nòng cốt nghiên cứu lý luận, nghiên cứu chiến lược của lực lượng Công an khi chủ trì nghiên cứu 1 đề tài cấp Nhà nước, 39 đề tài cấp bộ; chủ trì biên soạn 32 sách chuyên khảo và tham khảo; thường trực tổ chức hàng chục hội thảo, trong đó có 9 hội thảo cấp quốc gia; tổ chức gần 200 báo cáo chiến lược với lãnh đạo Bộ Công an, 20 báo cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước; biên tập khoảng 1.000 bài viết đăng trên Tạp chí CAND...
Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm hoan nghênh Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an đã chủ động, trách nhiệm, bám sát triển khai chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong, về nâng cao chất lượng các mặt công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược; đồng thời, ghi nhận, biểu dương những kết quả mà đơn vị đã đạt được trong 5 năm qua.
Về phương hướng công tác thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh việc tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận trong toàn lực lượng, ngay từ Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an và những sản phẩm do đơn vị thực hiện, lấy hiệu quả giải quyết vấn đề thực tiễn từ các sản phẩm khoa học làm cơ sở đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, tạo chuyển biến trong công tác tham mưu chiến lược, có mục tiêu cụ thể, hàng tháng để tập trung thực hiện; tập trung phân tích, đánh giá, dự báo các vấn đề chiến lược. Đánh giá thực chất chất lượng nghiên cứu khoa học, việc tổ chức các hội thảo; sớm đề xuất quy trình thực hiện theo hướng, đơn vị chủ trì hội thảo phải xác định rõ những vấn đề, khoảng trống lý luận cần làm rõ, cần thu được qua mỗi hội thảo. Rà soát việc quản lý, sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm cũng đã trực tiếp giải đáp những kiến nghị, đề xuất của Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an trong nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, khoa học, dự báo chiến lược; các vấn đề về công tác cán bộ; cơ chế thông tin, chính sách cũng như công tác quản lý khoa học và công nghệ...