Đổi mới, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp

Suốt chặng đường 25 năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân không ngừng đổi mới, chủ động đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần giữ vững ANCT-TTATXH, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KT-XH của tỉnh.

Cán bộ, Kiểm sát viên, VKSND huyện Tam Dương trao đổi chuyên môn nghiệp vụ.

Cán bộ, Kiểm sát viên, VKSND huyện Tam Dương trao đổi chuyên môn nghiệp vụ.

Những ngày đầu tái lập tỉnh, ngành Kiểm sát gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ do số lượng và chất lượng cán bộ chưa cao, cơ sở vật chất thiếu thốn. Trong khi đó, tình hình vi phạm, tội phạm ngày càng tăng, các khâu công tác kiểm sát ngày càng nhiều, công tác kiểm sát thi hành án còn nhiều việc chưa làm được; các vụ án về an ninh trật tự xảy ra nhiều, gây thiệt hại nhiều về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, căn cứ Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, Chỉ thị của Viện trưởng VKSND Tối cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo công tác kiểm sát, Đảng ủy VKSND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch công tác, thi đua và chương trình làm việc của lãnh đạo viện trong từng tháng làm căn cứ để các phòng, các VKSND cấp huyện triển khai thực hiện. Việc thực hiện quy chế dân chủ trong ngành Kiểm sát được bảo đảm, tạo sự đoàn kết trong nội bộ.

Lãnh đạo ngành thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, gắn việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy với việc phân loại, đánh giá, luân chuyển, điều động, bố trí cán bộ.

VKSND tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tăng cường theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo nghiệp vụ đối với VKSND cấp huyện, kịp thời phát hiện vi phạm, tồn tại để rút kinh nghiệm, yêu cầu khắc phục.

Lãnh đạo VKS chú trọng đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ; tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về công tác kiểm sát thực hành quyền công tố, công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường, viết cáo trạng... Hằng năm, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở vật chất của VKSND hai cấp được trang bị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Cùng với đó, VKSND hai cấp thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân xây dựng các vụ án điểm, án rút gọn; chú trọng việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng, kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa; tăng cường sử dụng hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến ở cả hai cấp, phiên tòa rút kinh nghiệm có ứng dụng số hóa hồ sơ.

Nhằm đảm bảo không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, kiểm sát viên chủ động, tăng cường yêu cầu kiểm tra, xác minh việc giải quyết tin báo; nắm chắc tiến độ điều tra vụ án, chủ động, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra; chủ động tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Kiểm sát chặt chẽ các bản án, quyết định của tòa án và hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tố tụng, kịp thời phát hiện những vi phạm để ban hành kiến nghị, kháng nghị, đảm bảo cho các hoạt động tư pháp được tuân thủ nghiêm chỉnh.

Đối với công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, ngành Kiểm sát tập trung kiểm sát việc giải quyết những vụ án tranh chấp về nhà ở, tài sản, hôn nhân gia đình, giải quyết dứt điểm các vụ kiện dân sự khéo dài, trực tiếp khởi tố nhiều vụ tranh chấp dân sự.

Công tác kiểm sát thi hành án được coi trọng, khắc phục tình trạng chậm trong công tác thi hành án, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần hạn chế khiếu kiện đông người.

Trải qua 25 năm, ngành Kiểm sát đã phát huy nội lực, từng bước vượt qua những khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong 5 năm (2015-2020), VKSND hai cấp thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 8.675/8.797 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 5.256 vụ/8.417 bị can; đơn vị không có án khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử oan, sai; không có án đình chỉ điều tra do không phạm tội; không có án VKS truy tố tòa án tuyên không phạm tội....

Phát huy những thành tựu đạt được sau 25 tái lập tỉnh, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ngành Kiểm sát không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Nhờ vậy, năm 2021 ngành Kiểm sát hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao, góp phần kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật, giữ vững ANTT-ATXH trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Lê Thảo

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/71991/doi-moi-nang-cao-chat-luong-thuc-hanh-quyen-cong-to-va-kiem-sat-cac-hoat-dong-tu-phap.html