Đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ phát triển KTTT, HTX năm 2021. Ảnh: TRẦN QUỚI

Mặc dù bị tác động bởi đại dịch COVID-19, nhưng năm qua, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) vẫn duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh với chiều hướng phát triển và có thêm 24 HTX thành lập mới. Yêu cầu đặt ra đối với khu vực kinh tế này là tiếp tục đổi mới hoạt động và nâng cao hiệu quả.

Những tín hiệu vui

Báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển KTTT tỉnh nhận định, thời gian qua KTTT, HTX tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài; nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực KTTT, HTX trong nền kinh tế quốc dân.

Trong năm 2020, toàn tỉnh thành lập mới 24 HTX, đạt 120% kế hoạch. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 158 HTX đang hoạt động, tăng 26 HTX so với năm 2019. Tổng vốn hoạt động 546 tỉ đồng. Ước tính tổng doanh thu năm 2020 của các HTX 411 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 150 triệu đồng/năm/HTX; thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

Các HTX đã chuyển đổi hoạt động hiệu quả, đúng nguyên tắc và bản chất HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012; nhờ đó vai trò, vị trí HTX được nâng lên, thực sự là chỗ dựa cho kinh tế hộ thành viên. Hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, OCOP - Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 62 tổ hợp tác (THT), với tổng vốn trên 20,5 tỉ đồng, hoạt động lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ bơm tưới, nuôi trồng thủy sản, chế biến gỗ; thu hút trên 1.000 thành viên, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đánh giá theo lĩnh vực hoạt động, có thể thấy, HTX nông nghiệp chiếm phần lớn và hoạt động khá hiệu quả. Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Thanh Lam cho biết có 114 HTX nông nghiệp, chiếm 72,4% HTX đang hoạt động, với tổng vốn 354,4 tỉ đồng. Doanh thu năm 2020 đạt trên 350 tỉ đồng, thu nhập bình quân 3,8 triệu đồng/người/tháng, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

“Nhiều HTX thực hiện đổi mới phát triển theo hướng đa ngành nghề, chuỗi giá trị, phục vụ phát triển kinh tế hộ thành viên từ dịch vụ đầu vào (cung ứng vật tư, phân bón, cày bừa, thủy lợi, dịch vụ ứng dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt), đến dịch vụ đầu ra (thu hoạch, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm). Các HTX quan tâm xây dựng sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP. Tiêu biểu như: HTX Nông nghiệp An Nghiệp, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong, HTX Nông nghiệp An Ninh Tây…”, ông Lê Thanh Lam cho biết.

Thực hiện chương trình OCOP, đến nay có 3 sản phẩm của các HTX được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 3 sao, gồm: Rượu tằm của HTX Hòa Phong, dầu đậu phộng của HTX Xuân Phước và gạo thơm Hoa Vàng của HTX An nghiệp. Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX An Nghiệp, chia sẻ: “Để đạt sản phẩm OCOP, HTX đã đầu tư và nỗ lực rất lớn mới đảm bảo được các tiêu chí khắt khe. Hiện nay, sản phẩm gạo thơm Hoa Vàng của HTX được thị trường trong nước đánh giá cao, có thời điểm cung không đủ cầu. Đây là điều rất đáng mừng. HTX đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao, phát triển chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân”.

Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, năm qua, các HTX ở lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải, thương mại dịch vụ… cũng từng bước khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động và đời sống thành viên HTX.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Thanh Lam nhìn nhận, thời gian qua, KTTT, HTX có những thuận lợi cơ bản nhờ đổi mới tổ chức hoạt động theo Luật HTX năm 2012, cũng như các chính sách ưu tiên cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, nhiều HTX vẫn còn những khó khăn như: xác định tỉ lệ giao dịch nội bộ, lúng túng trong việc tìm đầu ra sản phẩm của thành viên.

Gạo thơm Hoa Vàng của HTX Nông nghiệp An Nghiệp được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, hiện HTX nghiên cứu mở rộng sản xuất. Ảnh: TRẦN QUỚI

Nhận thức tư duy về mô hình HTX kiểu cũ vẫn còn ở các thành viên dẫn đến ỷ lại HTX, thiếu tích cực tham gia xây dựng HTX, sử dụng các dịch vụ của HTX nhưng không thanh toán, chiếm dụng vốn HTX, nợ tồn đọng trong HTX chiếm tỉ lệ cao.

Đa số các HTX trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, vốn ít, cơ sở vật chất, tài sản xuống cấp cũ kỹ lạc hậu; chưa tiếp cận được vốn tín dụng để mở rộng hoạt động sản xuất. Một số HTX chuyển đổi còn mang tính hình thức, chưa đảm bảo các nguyên tắc theo quy định. Trình độ năng lực quản lý điều hành HTX còn hạn chế...

Nhiều HTX đang gặp những vướng mắc cần UBND tỉnh và các cơ quan liên quan chung tay tháo gỡ. Tại hội nghị tổng kết đánh giá tình hình KTTT và hoạt động Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể năm 2020 do đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì tổ chức mới đây, nhiều ý kiến liên quan đã được kiến nghị lên UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Đăng Tiên, Trưởng ban Kiểm tra HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp 2 phường 9, bức xúc: “Hiện nay phần lớn diện tích đất nông nghiệp của thành viên HTX bị thu hồi để làm đường, phần còn lại bị ngập úng không thể sản xuất đã hơn 2-3 năm nay. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ, đền bù cho nông dân bị mất đất sản xuất mới chỉ tạm ứng 25% số tiền theo đề nghị và không biết có tiếp tục không. Hiện, bà con lo lắng, HTX cũng rất khó khăn. Đề nghị cấp có thẩm quyền sớm giải quyết”.

Còn theo ông Phạm Văn Vũ, Giám đốc HTX Công nghệ cao Hảo Sơn, hầu hết HTX đều vốn ít, thiếu điều kiện về đất đai, mặt bằng để mở rộng sản xuất kinh doanh. Đây là hai vấn đề lớn mà HTX không thể giải quyết nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Nhiều khó khăn, vướng mắc khác mà các giám đốc HTX kiến nghị gồm: hỗ trợ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật; giải quyết thu hồi nợ đọng; miễn giảm thuế… Đặc biệt, các HTX rất cần hỗ trợ kết nối, xúc tiến thương mại để giải quyết đầu ra sản phẩm ổn định.

Đồng chí Lê Tấn Hổ cho rằng, các kiến nghị, đề xuất của các HTX là rất thiết thực, xác đáng, yêu cầu các sở, ngành có liên quan của tỉnh tiếp thu, nghiên cứu xử lý các vấn đề tồn đọng và có giải pháp hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện để KTTT, HTX phát triển.

Hai việc cần làm ngay là Liên minh HTX và Văn phòng UBND tỉnh thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, đề xuất từ các HTX; và Sở KH-ĐT phối hợp với các sở, ngành tham mưu phương án thành lập Quỹ Hỗ trợ HTX của tỉnh. Ngoài ra, những vấn đề trực tiếp mà các HTX đề xuất, kiến nghị như: hỗ trợ cho nông dân mất đất sản xuất, cho thuê đất, cho vay vốn, kết nối cung cầu, xây dựng thương hiệu… từng sở, ngành liên quan phải giải quyết rốt ráo.

Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh

TRẦN QUỚI - BÍCH NGÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/253638/doi-moi-nang-cao-hieu-qua-kinh-te-tap-the.html