Đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo, ứng phó với thiên tai
Sáng 25-4, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) năm 2022.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Ứng phó thiên tai và TKCN Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT Lê Minh Hoan đồng chủ trì hội nghị. Cùng tham gia có đại diện các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương liên quan và tổ chức quốc tế hỗ trợ và đồng hành với công tác PCTT&TKCN tại Việt Nam.
Dự tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị là thành viên của Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và các đơn vị liên quan.
Hội nghị đã thông qua nội dung tổng kết công tác PCTT & TKCN năm 2021, những kinh nghiệm rút ra và triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2022.
Năm 2021 thiên tai trong cả nước không diễn ra dị thường, khốc liệt như năm 2020, nhưng vẫn rất phức tạp. Trong năm xảy ra 18/22 loại hình thiên tai. Trong đó, có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 326 trận dông, lốc, mưa lớn, 170 trận lũ quét, sạt lở đất, 139 trận động đất. Song, với sự điều hành quyết liệt, đồng bộ, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia PCTT và các bộ, ngành địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân nên thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2021 được đánh giá là thấp nhất trong những năm gần đây; số người chết và mất tích giảm 249 người, thiệt hại kinh tế giảm 34.762 tỷ đồng so với năm 2020.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tham luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang thống nhất với báo cáo tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ, Phó Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc qua PCTT; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tài sản và tính mạng của Nhân dân.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác PCTT, như: Nhận thức của một bộ phận cấp ủy, chính quyền và Nhân dân về thiên tai và công tác PCTT còn hạn chế dẫn đến nhiều thiệt hại đáng tiếc về tài sản và tính mạng sau thiên tai; vẫn còn tình trạng người dân sống trong vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, vùng ngập lụt sạt lở cửa sông ven biển chưa được sắp xếp ổn định dân cư trước khi có các tình huống thiên tai xảy ra; nhiều trọng điểm, xung yếu có nguy cơ mất an toàn đã được xác định nhưng vẫn chưa được dành nguồn lực để xử lý dứt điểm; công tác PCTT được xác định từ cơ sở, nhưng sự đầu tư lại hạn chế cả về nguồn lực, phương tiện và con người…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, tăng cường nguồn lực cho công tác PCTT; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác PCTT&TKCN gắn với việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm; công tác dự báo cảnh báo, dự báo, chia sẻ thông tin về PCTT&TKCN cần kịp thời và chính xác. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ và Nhân dân, nhất là người dân sống trong vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai để chủ động các phương án phòng tránh kịp thời.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, ngành, thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN tỉnh Thanh Hóa tổ chức kiểm tra địa bàn phụ trách, chuẩn bị công tác PCTT, vật tư, nhân lực, công trình trọng điểm, xử lý khắc phục các công trình xây dựng dở dang trước mùa mưa lũ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo danh mục các công trình hồ chứa hư hỏng, mất an toàn… đến các địa phương. Các công ty khai thác công tình thủy lợi có hồ chứa chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa; phối hợp với các địa phương tổ chức quản lý, khai thác đập, hồ chứa thực hiện đánh giá an toàn đập.
Ban Quản lý Dự án Nông nghiệp, Ban Quản lý Thủy lợi 3 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đóng trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh tiếp độ các công trình đang thi công, đảm bảo tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn, sớm đưa các công trình vào khai thác trước mùa mưa bão.
Các ngành, địa phương, thành viên Ban Chỉ huy PCTT &TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh tập trung rà soát, kiểm tra các phương án PCTT &TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”; khẩn trương hoàn thành các công trình PCTT do huyện, xã làm chủ đầu tư; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ cơ sở và người dân về phương án ứng phó, PCTT, đặc biệt là đối với lực lượng xung kích cấp xã...
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Đức Tuân)
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong PCTT&TKCN.
Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong công tác PCTT&TKCN liên quan đến công tác dự báo, trang thiết bị… đồng thời phân tích nguyên nhân dẫn đến những hạn chế.
Về nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung đổi mới nâng cao năng lực, công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ; kiểm tra, rà soát phương tiên, phương án, kế hoạch PCTT năm 2022 trên toàn quốc.
Cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, huy động và ứng phó nhanh với tình huống thiên tai xảy ra; tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý Nhà nước, nâng cao năng lực của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, đặc biệt là cấp huyện và xã, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện thiên tai ngày càng phức tạp; củng cố lực lượng xung kích PCTT tại cơ sở; xây dựng lực lượng chuyên nghiệp, hiện đại để ứng phó với các tình huống phức tạp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ năng ứng phó với các tình huống thiên tai; lồng ghép nội dung PCTT với hoạt động giảng dạy trong nhà trường, các hoạt động văn hóa - văn nghệ tại các đia phương…