Đổi mới, nâng tầm vị thế Giải Báo chí quốc gia

Sáng 16-11, tại Hòa Bình, Hội Nhà báo Việt Nam tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia và công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022; triển khai chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023, 2024 đối với 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; 20 Liên Chi hội và 100 Chi hội Nhà báo trực thuộc.

Sức hút của Giải Báo chí quốc gia

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định: Trải qua 17 năm tổ chức, Giải Báo chí Quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự, cho thấy sức hút của Giải ngày càng lớn. Các tác phẩm đoạt giải cao có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ làm báo ngày càng đổi mới đặt ra những yêu cầu, thách thức mới trong quá trình tổ chức Giải.

Trưởng ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam Đỗ Thị Thu Hằng chia sẻ tại chương trình

Trưởng ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam Đỗ Thị Thu Hằng chia sẻ tại chương trình

Theo Trưởng ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam Đỗ Thị Thu Hằng, Giải báo chí Quốc gia đã và đang có tác dụng to lớn, cổ vũ tinh thần thi đua giữa các nhà báo, các cơ quan báo chí, qua đó phát hiện và tôn vinh tài năng, tâm huyết của các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Mỗi năm có trên 100 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất thuộc các loại hình báo chí được trao giải. Với việc thẩm định kỹ càng, chặt chẽ, minh bạch, uy tín của Giải Báo chí Quốc gia không ngừng được nâng cao.

Ngày 8-4-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 558/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 – 2025”. Nhờ có nguồn kinh phí hỗ trợ tăng thêm, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam có thêm điều kiện tập hợp, động viên hội viên hăng say sáng tác.

Đổi mới để phù hợp với xu thế chuyển đổi số

Ngày 6-4-2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Khẳng định “Giải Báo chí Quốc gia cũng cần bắt kịp xu hướng quan trọng và cấp thiết này”, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và các đại biểu đã thống nhất trong thời gian tới, cùng với chiến lược chuyển đổi số của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội cần quan tâm hơn nữa đến việc cải tiến quy trình và chuyển đổi số Giải Báo chí Quốc gia, góp phần nâng cao vị thế của Giải, để Giải xứng tầm là sân chơi nghiệp vụ uy tín nhất của những người làm báo Việt Nam.

Đông đảo đại biểu tham dự Hội nghị.

Đông đảo đại biểu tham dự Hội nghị.

Thứ nhất, về cơ cấu giải, cần có sự mở rộng để đáp ứng thực tiễn đời sống báo chí, bởi từ chỗ có 620 cơ quan báo chí in vào năm 2006, nay con số đó đã tăng lên hơn 800. Hiện có hơn 40.000 người công tác trong ngành báo chí, trên 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề; số hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đã lên tới gần 25.000, so với 10.000 nhà báo được cấp thẻ và gần 15.000 hội viên vào năm 2006.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự hội tụ của các phương tiện truyền thông, loại hình báo điện tử trên mạng internet đã trở thành đội quân tiên phong, chiếm lĩnh “trận địa thông tin” nhờ đặc thù trực tuyến (online), sự tương tác mạnh mẽ, tốc độ lan truyền nhanh, tác động rộng rãi đến công chúng. Chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ trong nhiều cơ quan báo chí, với nhiều phương thức làm báo hiện đại, ứng dụng công nghệ cao được áp dụng. Cơ cấu giải do đó cần hướng đến dung nạp thêm nhiều sản phẩm báo chí với phương thức thể hiện mới, đang được công chúng đón nhận rộng rãi, như sản phẩm báo chí chuyên đề, đa phương tiện, đa loại hình, đa nền tảng…

Thứ hai, hiện nay, việc nhiều tác giả cùng hợp tác tham gia sản xuất một tác phẩm báo chí có xu hướng tăng lên, kinh phí sản xuất tác phẩm cũng tăng do ứng dụng công nghệ hiện đại. Do đó, mức giải thưởng cần được tăng lên để kịp thời cổ vũ, động viên, tôn vinh lao động sáng tạo của các nhà báo.

Cùng với đó, Giải Báo chí Quốc gia cần cải tiến quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong quá trình tổ chức và phát triển. Tiếp tục số hóa công tác tuyển chọn, ứng dụng phần mềm chấm giải, có cơ chế lưu trữ tư liệu tác phẩm đoạt giải cũng như các văn bản, quy định có liên quan...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/doi-moi-nang-tam-vi-the-giai-bao-chi-quoc-gia-648110.html