Đổi mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục

Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là bước vào năm học mới 2023-2024, việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức dạy học và những định hướng lớn của ngành Giáo dục trong năm học mới rất quan trọng.

Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là bước vào năm học mới 2023-2024, việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức dạy học và những định hướng lớn của ngành Giáo dục trong năm học mới rất quan trọng. Phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về vấn đề này.

Trường Tiểu học Liên Minh (Võ Nhai) đã nhận đủ sách giáo khoa của đơn vị cung ứng để chuyển đến học sinh trước thềm năm học mới 2023-2024.

Trường Tiểu học Liên Minh (Võ Nhai) đã nhận đủ sách giáo khoa của đơn vị cung ứng để chuyển đến học sinh trước thềm năm học mới 2023-2024.

P.V: Đồng chí cho biết công tác chuẩn bị các điều kiện của ngành Giáo dục nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch năm học 2023-2024?

PGS.TS Phạm Việt Đức: Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024, Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh rà soát, tích cực chuẩn bị các điều kiện đảm bảo yêu cầu của công tác dạy, học, đặc biệt là các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT).

Sở GDĐT đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (GV) các cơ sở giáo dục, công tác quản lý, quản trị nhà trường, việc đổi mới các phương pháp, hình thức, kỹ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực.

Sau khi UBND tỉnh phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) được giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Sở GDĐT phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho 100% giáo viên dạy lớp 4, lớp 8, lớp 11.

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các cấp và giáo viên đại trà đảm bảo tất cả cán bộ quản lý và giáo viên các cấp trong tỉnh có đủ năng lực triển khai chương trình giáo dục mới.

Ngành chỉ đạo các đơn vị liên quan cung ứng đầy đủ, kịp thời SGK cho học sinh trước năm học mới...

Ngành Giáo dục đã từng bước bổ sung, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đảm bảo tất cả các đơn vị trường học trong tỉnh có đủ các điều kiện cho công tác dạy, học, trong đó ưu tiên đầu tư, trang bị đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 năm học 2023 - 2024. Đến nay, các trường học, cấp học trong tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết và các phương án khai giảng năm học mới.

Năm học mới 2023-2024, 2 trường THPT Đội Cấn (Đại Từ) và THPT Tức Tranh (Phú Lương) bắt đầu tuyển sinh, tạo cơ hội học tập cho nhiều học sinh của 2 huyện và các vùng lân cận. Trong ảnh: Trường THPT Đội Cấn được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn trường chuẩn Quốc gia.

Năm học mới 2023-2024, 2 trường THPT Đội Cấn (Đại Từ) và THPT Tức Tranh (Phú Lương) bắt đầu tuyển sinh, tạo cơ hội học tập cho nhiều học sinh của 2 huyện và các vùng lân cận. Trong ảnh: Trường THPT Đội Cấn được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn trường chuẩn Quốc gia.

P.V: Năm 2022, ngành Giáo dục được giao bổ sung trên 1.000 biên chế, song khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu GV theo định mức, vậy năm học 2023-2024 toàn Ngành phải thuê khoán bao nhiêu GV, nhân viên, thưa đồng chí?

PGS.TS Phạm Việt Đức: Căn cứ số lượng biên chế được giao bổ sung, Sở GDĐT đã phối hợp với Sở Nội vụ và các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác tuyển dụng.

Dự kiến trong năm học 2023-2024, toàn Ngành cần thuê khoán khoảng 4.400 GV. Với số lượng biên chế hiện có và số định mức khoán, hiện nay, các cơ sở giáo dục cơ bản đã đáp ứng đủ số GV giảng dạy theo chương trình, kế hoạch năm học.

Sở GDĐT đã phối hợp với UBND huyện, thành phố chỉ đạo các phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục thực hiện tốt kế hoạch sắp xếp lại trường, điểm trường giai đoạn 2022-2025.

P.V: Để nâng cao chất lượng dạy, học, những nhiệm vụ trọng tâm được Ngành tập trung chỉ đạo trong năm học 2023-2024 là gì, thưa đồng chí?

PGS.TS Phạm Việt Đức: Năm học mới, ngành Giáo dục Thái Nguyên sẽ chủ động, tích cực triển khai các kế hoạch, giải pháp nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ của Bộ GDĐT và lãnh đạo tỉnh giao.

Trong đó, để nâng cao chất lượng dạy - học, Ngành thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, trong đó tập trung thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 đối với các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11.

Ngành tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác dạy và học; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về GDĐT; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐT; tăng cường công tác chính trị, tư tưởng trong toàn Ngành: đẩy mạnh chuyển đổi số; thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua...

P.V: Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới, đồng chí có gửi gắm gì tới cán bộ, GV cũng như các bậc phụ huynh, học sinh?.

PGS.TS Phạm Việt Đức: Với phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”; “lấy nhà trường làm nền tảng”, “lấy thầy giáo làm động lực”, năm học 2023-2024, ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, quyết liệt thực hiện các giải pháp để đổi mới toàn diện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học.

Cán bộ, GV, nhân viên ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh yên tâm, tin tưởng vào các kế hoạch đổi mới Chương trình GDPT 2018, hãy luôn chăm lo, nhắc nhở các em học sinh, học viên cố gắng chăm ngoan, học giỏi.

Chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục và các em học sinh, học viên thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc, không ngừng phấn đấu và đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong năm học mới!

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202308/doi-moi-nham-nang-cao-chat-luong-giao-duc-fba3d61/