Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh

Chủ động, tích cực đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh (QP&AN) được xác định là khâu đột phá, là chủ trương đúng đắn, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng 'thế trận lòng dân' vững chắc trong nền quốc phòng toàn dân vững mạnh ở mỗi địa phương.

Từ nhận thức sâu sắc đó, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, hội đồng giáo dục QP&AN các cấp tỉnh Hà Nam đã luôn chủ động quán triệt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới toàn diện nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho các đối tượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức và cho toàn dân, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng. Chú trọng giáo dục, thống nhất, nâng cao nhận thức về đối tác và đối tượng; nắm vững đường lối, quan điểm, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo đó, Bộ CHQS tỉnh Hà Nam (Cơ quan thường trực Hội đồng Giáo dục QP&AN tỉnh Hà Nam) đã chủ động bám sát sự chỉ đạo của Hội đồng Giáo dục QP&AN tỉnh để triển khai thực hiện nhiệm vụ theo hướng đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo, tổ chức tiến hành chặt chẽ công tác giáo dục QP&AN bảo đảm tính toàn diện, chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP&AN theo hướng cập nhật thực tiễn, phục vụ thiết thực nhiệm vụ QP-AN của tỉnh. Cùng với đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, báo cáo viên giáo dục QP&AN; chú trọng tham mưu kịp thời với cấp ủy, chính quyền đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho các đối tượng, nhất là đối tượng 3, 4 và sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn.

Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh trao giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho cán bộ đối tượng 3.

Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh trao giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho cán bộ đối tượng 3.

Về đổi mới nội dung, trước hết Bộ CHQS tỉnh bám sát, cập nhật quan điểm, tư duy, phát triển mới về đường lối QP-AN của Đảng; trọng tâm là Nghị quyết số 28 - NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX, khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP&AN, Luật Giáo dục QP&AN cùng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Trong đó, thống nhất, nâng cao nhận thức, tư duy về: đối tác, đối tượng; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh phi vũ trang; giữ vững độc lập, tự chủ trong điều kiện mở rộng hợp tác quốc tế; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường QP-AN...

Hướng tới mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục QP&AN, thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh cũng tích cực đa dạng hóa hình thức giáo dục theo hướng linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể.

Theo đó, chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí xây dựng chương trình, kế hoạch, mở chuyên trang, chuyên mục, đa dạng nội dung thông tin, tuyên truyền. Đồng thời, chú trọng phát huy thế mạnh của phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và đội ngũ báo cáo viên để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, kịp thời kiến thức QP&AN đến mọi tầng lớp nhân dân.

Mặt khác, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích những cách làm mới, kinh nghiệm hay, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế và nhiệm vụ chính trị của mỗi lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhằm đưa công tác này vào chiều sâu, thực sự biến thành sức mạnh, tiềm lực QP&AN, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bằng cách làm trên, từ năm 2023 đến nay, cấp ủy, hội đồng giáo dục QP&AN các cấp trong toàn tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho 2.312 cán bộ chủ chốt các cấp, ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, trường học..; hàng nghìn cán bộ công đoàn, đoàn viên ưu tú, công nhân các khu, cụm công nghiệp; 236 người là trưởng dòng họ. Cùng với đó, hoàn thành chương trình môn học kiến thức giáo dục quốc phòng cho 63.687 học sinh, sinh viên. Dự kiến trong quý III năm 2024, sẽ mở rộng đối tượng bồi dưỡng cho trên 120 chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo trên địa bàn.

Nhằm không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục QP&AN, Bộ CHQS tỉnh cũng đã thường xuyên kịp thời tham mưu kiện toàn Hội đồng Giáo dục QP&AN tỉnh bảo đảm đúng, đủ thành phần, cơ cấu; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của từng thành viên hội đồng và cơ quan thường trực hội đồng. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn duy trì thực hiện có nền nếp, chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội đồng giáo dục QP&AN các cấp.

Theo đó, hằng năm, Bộ CHQS tỉnh luôn sâu sát trong chỉ đạo cơ quan thường trực hội đồng giáo dục QP&AN các cấp thực hiện tốt công tác khảo sát, nắm chắc đối tượng trong diện phải bồi dưỡng kiến thức QP&AN. Chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu với cấp ủy, chính quyền cử cán bộ thuộc các nhóm đối tượng đi bồi dưỡng và mở các lớp bồi dưỡng theo phân cấp bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế.

Đây là cơ sở quan trọng, quyết định đến việc đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP&AN trên địa bàn tỉnh.

Đại tá Vũ Văn Tự (Bộ CHQS tỉnh Hà Nam)

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/quoc-phong/doi-moi-noi-dung-phuong-phap-giao-duc-boi-duong-kien-thuc-quoc-phong-va-an-ninh-131392.html