Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền tạo sự thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội
Thực tiễn mới đặt ra những khó khăn, thách thức đòi hỏi công tác tuyên truyền phải không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền đã thể hiện vai trò là mũi nhọn xung kích, là vũ khí sắc bén trong việc cung cấp và định hướng thông tin trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình trong nước và quốc tế; đã góp phần quan trọng tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác tuyên truyền vẫn còn những hạn chế: nội dung tuyên truyền còn nghèo nàn, thiếu sức hấp dẫn, chưa đáp ứng nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Phương thức tuyên truyền còn lạc hậu, thiếu tính thuyết phục, hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế. Năng lực nắm bắt, phân tích, tổng hợp, dự báo tình hình tư tưởng chưa cao; khả năng phát hiện, tham mưu, xử lý, giải quyết các vấn đề trong thực tiễn chưa kịp thời. “Chậm khắc phục có hiệu quả những hạn chế của công tác tư tưởng như thiếu sắc bén, chưa thuyết phục. Đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn bị động, hiệu quả chưa cao”(1).
Trước những vận hội và thách thức mới, những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đã và đang tiếp tục tạo thế và lực mới để chúng ta thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng đứng trước nhiều thử thách. Các thế lực thù địch tăng cường thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” bằng âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc. Chúng tập trung chống phá trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng; xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chúng lợi dụng những vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và những hạn chế, yếu kém của một bộ phận cán bộ, đảng viên nhằm phá hoại sự lãnh đạo của Đảng, hạ thấp những thành tựu to lớn của đất nước trong công cuộc đổi mới; thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội…
Phát triển xã hội đòi hỏi ngày càng mở rộng thông tin, bảo đảm quyền được thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thông tin minh bạch kịp thời, có định hướng có ý nghĩa quan trọng để nâng cao dân trí, hướng dẫn dư luận, giáo dục chính trị - tư tưởng, chủ động ngăn chặn và đấu tranh với những luồng thông tin sai lệch, các luận điệu xuyên tạc, phản động.
Thực tiễn đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền phải nhạy bén nắm bắt kịp thời sự phát triển tình hình, đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến phức tạp có thể xảy ra, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần định hướng dư luận, giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của toàn dân, toàn quân vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước.
Để đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, cần tập trung làm tốt một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, nâng cao tính khoa học, đầy đủ, minh bạch và kịp thời cung cấp trong thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thông tin cần đa dạng để đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của nhân dân nhưng phải chống khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo những thị hiếu không lành mạnh. Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, đúng đối tượng và đúng thời điểm. Các cơ sở đảng cần có sự nhận diện thông tin thật sáng suốt. Thông tin có giá trị nhất định khi nó có thể thay đổi niềm tin và hành động nhưng nó cũng có thể phản tác dụng khi xuất hiện không đúng thời điểm, không phù hợp với đối tượng. Cùng với việc mở rộng nội dung và minh bạch thông tin cần phải thực hiện bảo vệ bí mật nhà nước nhưng phải tránh tình trạng lợi dụng quy định để “mật hóa” văn bản, bưng bít thông tin gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Công tác tuyên truyền trong giai đoạn nào của cách mạng cũng phải “đi trước một bước”, chủ động nắm sát diễn biến tư tưởng, tâm trạng trong Đảng và trong nhân dân, định hướng tư tưởng đúng đắn và kịp thời trước những tác động đan xen của những yếu tố tích cực, tiêu cực trên thế giới và trong nước. Phải dự báo trước các vấn đề tư tưởng đã, đang và sẽ nảy sinh để có phương án giải quyết kịp thời, hiệu quả.
Hai là, đổi mới nội dung, cách thức triển khai công tác tuyên truyền.
Cần phân nhóm đối tượng để có nội dung (thông điệp), hình thức, kênh tuyên truyền phù hợp với yêu cầu và điều kiện của nhóm. Cụ thể, có thể phân nhóm theo các tiêu thức: theo lợi ích (được hưởng lợi, không được hưởng lợi và bị thiệt thòi); theo vị thế xã hội (nhóm cán bộ và người dân); theo vùng hay địa lý (nhóm nông thôn và thành thị)...
Phương thức tuyên truyền cần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ vận dụng, phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền trong cả nước. Đối với mỗi vấn đề tuyên truyền, cổ động, cần có lộ trình, quy trình, mục đích, bước đi cụ thể, dưới các hình thức khác nhau để việc tuyên truyền được thực hiện một cách tự nhiên, không hình thức, không gượng ép, chú ý nghệ thuật, nâng cao hiệu quả. Kết hợp đa dạng, nhiều hình thức, nhiều kỹ năng và áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình mới.
Trong công tác tuyên truyền, không nên dựa vào hay đưa ra những thông tin, những vấn đề phiến diện, một chiều, tuyệt đối hóa và công thức hóa. Phiến diện hoặc tuyệt đối hóa sẽ dẫn tới tước bỏ tính khoa học của công tác tuyên truyền và tính phong phú của thực tiễn, làm cho công tác tuyên truyền bị ngưng đọng và dẫn đến sự chậm trễ, sai lệch trong việc chỉ đạo và tổ chức hoạt động thực tiễn. Do vậy, cần chuyển hướng mạnh mẽ từ thông tin một chiều, định hướng từ trên xuống dưới sang chú trọng thông tin hai chiều. Tăng cường đối thoại, lắng nghe thông tin thực tiễn từ cơ sở. Thường xuyên nắm bắt dư luận xã hội để có những giải pháp phát huy mặt tích cực; kịp thời chấn chỉnh và uốn nắn những biểu hiện tiêu cực...
Đổi mới cách thức tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, các phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, không phô trương, hình thức, lãng phí, phù hợp với điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tiến hành công tác tuyên truyền thông qua mạng internet một cách trực diện, liên tục, xây dựng những kênh thông tin trên môi trường mạng vừa tin cậy đối với Đảng và Nhà nước, vừa thân thiện với cộng đồng mạng để thực hành công tác thông tin, tuyên truyền một cách nhanh nhạy, hiệu quả.
Tiếp tục phát triển sự nghiệp báo chí, xuất bản đi liền với việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Đổi mới sâu sắc công tác lãnh đạo, quản lý và bản thân hoạt động báo chí, xuất bản.
Ba là, thường xuyên chủ động nắm bắt tư tưởng, thái độ của các tầng lớp trong xã hội.
Có thể nhận thấy diễn biến về tư tưởng xã hội hiện nay khá phức tạp, trong đó có sự dao động về niềm tin đối với con đường phát triển của đất nước, đối với chế độ xã hội, vai trò lãnh đạo của Đảng. Để khắc phục những hiện tượng tiêu cực đó, cần có căn cứ xác thực và hiểu được cặn kẽ nguyên nhân của nó. Mọi tư tưởng đều bắt nguồn từ quan hệ lợi ích và tâm lý xã hội, do vậy, phải “bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc” cho căn bệnh tư tưởng xã hội nói trên từ nguyên nhân của nó là quan hệ lợi ích và cơ chế quản lý hành chính xã hội. Thường xuyên có sự bổ sung, điều chỉnh tiêu chí đánh giá khách quan tác động của việc thực hiện công tác tuyên truyền sau mỗi bước đi và so sánh với mục tiêu đặt ra cần đạt được. Có kế hoạch, lộ trình, các bước thực hiện và có điều tra dư luận xã hội đánh giá mức độ thành công cũng như phản ứng của dư luận đối vối các vấn đề được tuyên truyền.
Xây dựng và thực hiện quy chế, quy định mọi tổ chức đảng từ trung ương đến cơ sở và mọi đảng viên đều có trách nhiệm trực tiếp làm công tác tư tưởng. Bí thư cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải lập kế hoạch cụ thể chỉ đạo công tác tư tưởng, chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cơ quan, đơn vị mình, có biện pháp giải quyết kịp thời. Khẩn trương xây dựng xong và đưa vào thực tiễn, vào cuộc sống cơ chế cấp ủy đảng tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến cơ sở với các cơ quan làm công tác tư tưởng trong việc triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân... Cần nêu ra yêu cầu và chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa đối với các cấp cơ sở trong công tác tư tưởng, khắc phục tình trạng “quan liêu”, “xa dân”.
Bốn là, gắn kết chặt chẽ công tác tuyên truyền với nhiệm vụ phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Việc gắn kết chặt chẽ công tác tuyên truyền với nhiệm vụ phát triển tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó trọng tâm là lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng - an ninh, đối ngoại... nhằm theo sát diễn biến, góp phần kịp thời xử lý, giải quyết các tình huống, đã trở thành một thành tố tích cực tác động trực tiếp đến sự phát triển của các lĩnh vực đó. Thực tiễn đòi hỏi công tác tuyên truyền cần và phải có mặt trong cả các tiến trình, sự kiện, hiện tượng, phong trào để có tiếng nói có sức thuyết phục, có tác động thực tế. Chẳng hạn, trong các hoạt động văn hóa tâm linh, cần khuyến khích các hoạt động mang ý nghĩa tích cực, có ích cho việc xây dựng và phát triển các giá trị văn hóa tinh thần, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam; đồng thời kiên quyết đấu tranh loại trừ mặt tiêu cực, mặt xấu, các hành vi lợi dụng các hoạt động văn hóa tâm linh vì các mục đích phản văn hóa khác, trái với ý nghĩa cao đẹp của văn hóa tâm linh người Việt.
Thông tin hai chiều có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố niềm tin cũng như nhận diện những biến đổi tư tưởng và các thang giá trị trong đời sống xã hội.
Công tác tuyên truyền cần phải tích cực thúc đẩy cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời góp phần giải quyết kịp thời, hiệu quả những bức xúc trong nhân dân và thực hiện dân chủ, công khai hóa trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Năm là, đổi mới phương thức, nâng cao tính chủ động trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ đảng viên.
Mũi nhọn cơ bản và tập trung hướng tới của các quan điểm sai trái, thù địch là nhằm vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp của Đảng và Nhà nước.
Cần tổ chức đấu tranh có hiệu quả, dựa trên cơ sở khoa học đối với các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch. Thực tế, nhiều bài viết đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên các loại hình báo chí thiếu sắc bén, tính thuyết phục chưa cao... Nguyên nhân vẫn do chính người viết chưa nghiên cứu kĩ, chưa hiểu sâu sắc bản chất vấn đề, chưa chủ động tiếp cận, thu thập đầy đủ và xử lý thông tin để có thể phản bác một cách khoa học, có luận cứ đối với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Sáu là, mở rộng phạm vi, nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại
Công tác này hướng vào ba đối tượng: cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài định cư ở Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới. Phát huy mạnh mẽ hoạt động thông tin đối ngoại, phục vụ có hiệu quả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ngày càng có nhiều sản phẩm, di sản văn hóa của Việt Nam được tuyên truyền, quảng bá ra nước ngoài; từng bước xây dựng Việt Nam thành địa chỉ giao lưu văn hóa sôi động trong khu vực và trên thế giới.
Hiện nay, tầng lớp kiều bào của nước ta có hơn 3 triệu người, trong đó có khoảng 170.000 người có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, nhiều người trong số họ có xu hướng tiến bộ và luôn hướng về cội nguồn. Cần có chính sách cụ thể để thu hút trí thức Việt kiều cống hiến cho đất nước, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế./.
TS. ĐINH THỊ MAI
Ban Tuyên giáo Trung ương
----------------------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 192-193.