Đổi mới, phát triển công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm
Thời gian qua, công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp được các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện, với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Năm 2024, thị trường lao động tỉnh Sóc Trăng có những khó khăn nhất định do sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng chung bởi tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Một số doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng nên một số lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không đáng kể. Nhờ sự chỉ đạo, nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện các chính sách về đào tạo lao động, mở nhiều phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước nên số lao động này sớm có việc làm trở lại. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, các địa phương đã tạo việc làm cho 32.180 người (đạt 112,91% kế hoạch), trong đó, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và vừa học vừa làm ở nước ngoài là 544 người. Giải quyết việc làm tập trung chủ yếu ở khu vực công nghiệp - xây dựng, cho thấy sự chuyển dịch việc làm từ nông nghiệp sang công nghiệp đã từng bước được tăng lên.
Đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, năm 2024 đã thực hiện tuyển sinh đào tạo gần 19.000 người (gồm đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo thường xuyên và dưới 3 tháng), trong đó đã tốt nghiệp đạt gần 15.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,05%; tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt 84%.
Đồng chí Đặng Thanh Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sóc Trăng đánh giá, công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, đặc biệt là đưa người lao động đi làm việc, học tập ở nước ngoài theo hợp đồng luôn được sự quan tâm sâu sát của các cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện nên các mục tiêu, chỉ tiêu hằng năm cơ bản đạt so với kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm ở một số địa phương chưa được chú trọng; chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh chưa cao, lao động phổ thông chưa qua đào tạo còn nhiều; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt thấp; tỷ lệ phân luồng học sinh vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đạt chỉ tiêu đề ra; chỉ số thành phần về đào tạo lao động của tỉnh Sóc Trăng vẫn nằm trong nhóm trung bình thấp so với các tỉnh, thành trên cả nước; người lao động của tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ngoài tỉnh nhiều; số người được tư vấn, giới thiệu việc làm có được việc làm đạt thấp khoảng 20%; công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa đạt chỉ tiêu đề ra…
Theo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 8 khu công nghiệp (KCN) và 18 cụm công nghiệp (CCN). Trong giai đoạn 2021 - 2025, mở rộng KCN An Nghiệp và xây dựng KCN Trần Đề; xây mới 11 cụm công nghiệp (CCN), nâng số CCN được xây dựng trên địa bàn lên 12 cụm. Trong giai đoạn 2026 -2030, xây dựng 3 KCN và xây dựng mới 6 CCN. Đến năm 2030, tỷ lệ lấp đầy các KCN An Nghiệp, Trần Đề đạt 100%, các KCN còn lại đạt trên 75%. Sau năm 2030, quy hoạch bổ sung KCN Ngã Năm, quy mô 300ha tại Phường 3, thị xã Ngã Năm, nâng tổng số KCN toàn tỉnh là 9 KCN. Dự báo nhu cầu về lao động làm việc trong các KCN giai đoạn 2021 - 2025 (có 4 KCN hoạt động) 110.000 lao động; giai đoạn 2026 - 2030 (có 8 KCN hoạt động) 225.000 lao động. Đến năm 2030, thu hút và tạo việc làm tại các KCN trên địa bàn tỉnh khoảng 200.000 người, trong đó tập trung vào các lĩnh vực chế biến thực phẩm, may mặc, đóng giày, cơ khí, cơ điện, điện lạnh, điện tử, tự động hóa, vận hành, bảo trì, sửa chữa dây chuyền, máy móc, thiết bị... Nhiều doanh nghiệp có quy mô sử dụng nhiều lao động đã và đang được mời gọi đầu tư tại tỉnh ở một số ngành nghề thế mạnh, tiềm năng của tỉnh, dự báo những năm tiếp theo, nhu cầu việc làm tại tỉnh ngày càng tăng.
Trước nhu cầu đó, tỉnh đã có nhiều giải pháp thực hiện đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Theo dự báo nguồn lao động của tỉnh có khả năng đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động khi các khu, CCN đi vào hoạt động. Năm 2025 và những năm tiếp theo, mỗi năm dự báo nguồn lao động trên địa bàn tỉnh có trên 35.000 người. Trong đó, số người đang học sẽ hoàn thành khóa học (trong nhóm tuổi 20 - 24 tuổi) có nhu cầu tìm việc làm khoảng 12.000 người; số người bước vào độ tuổi lao động (vào 15 tuổi) khoảng 4.000 người; số học sinh tốt nghiệp cấp 2 không tiếp tục học 3.000 học sinh; số học sinh tốt nghiệp cấp 3 không tiếp tục học, có nhu cầu tiềm việc làm khoảng 5.000 học sinh; số người thất nghiệp đăng ký tìm việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trên 10.000 người; số thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự có nhu cầu học nghề, tìm việc làm khoảng 1.000 người…
Căn cứ nhu cầu sử dụng lao động trong thời gian tới và nguồn lao động của địa phương, tỉnh phấn đấu giai đoạn 2025 - 2030, tiếp tục đào tạo cho 90.000 người, trong đó đào tạo có văn bằng, chứng chỉ 58.000 người, gồm: đào tạo trình độ cao đẳng 3.300 người, trung cấp là 3.200 người; trình độ sơ cấp 21.500 người, đào tạo thường xuyên và dưới 3 tháng 30.000 người. Tập trung đào tạo các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản thực phẩm; công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử; công nghiệp hóa chất, sản phẩm hóa chất; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác; công nghiệp may mặc, giày da; công nghiệp năng lượng điện, nước...
Đồng thời, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, gắn kết chặt chẽ thị trường lao động với công tác đào tạo nghề để cung ứng cho doanh nghiệp. Song song với việc triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động, còn chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp. Triển khai các hoạt động của các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, tập trung công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo để người lao động thoát nghèo bền vững thông qua có việc làm ổn định…
Với những mục tiêu, giải pháp đã đề ra trong thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm tỉnh Sóc Trăng sẽ có những bước đột phá về đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ, kỹ năng nghề. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.