Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục ở bậc tiểu học
Toàn tỉnh hiện có 226 trường tiểu học, 4.803 lớp với trên 165 nghìn học sinh. Nhằm phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) chỉ đạo các trường tiểu học tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Các nhà trường chủ động phân phối nội dung... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Toàn tỉnh hiện có 226 trường tiểu học, 4.803 lớp với trên 165 nghìn học sinh. Nhằm phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) chỉ đạo các trường tiểu học tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Các nhà trường chủ động phân phối nội dung, thời lượng đảm bảo thực hiện đúng - đủ nội dung chương trình, linh hoạt sáng tạo trong tổ chức các hoạt động giáo dục với hình thức đa dạng, quy mô phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.
Để đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh tiểu học, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục và bố trí quỹ đất để xây dựng lớp học, phòng chức năng phù hợp; sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, khắc phục tình trạng trường, lớp có quy mô và sĩ số học sinh vượt quá quy định. Các nhà trường tích cực tham mưu tăng cường cơ sở vật chất phục vụ tốt cho việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, đảm bảo đủ mỗi lớp 1 phòng học có thiết bị viễn thông thông minh kết nối internet. 100% trường có máy vi tính nối mạng internet phục vụ các hoạt động giáo dục. Quan tâm xây dựng thư viện tiên tiến, đầu tư cơ sở vật chất thiết bị, sách báo, tài liệu tham khảo để xây dựng thư viện lớp học, thư viện trường học, bố trí các tiết đọc sách tại thư viện từ 2-4 tiết/tháng đối với mỗi lớp nhằm xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc cho học sinh từ cấp tiểu học, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của cán bộ, giáo viên và học sinh.
Sở GD và ĐT chỉ đạo các trường tiểu học xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy các môn văn hóa và hoạt động giáo dục khác phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở đảm bảo mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt theo chương trình GDPT 2018, khuyến khích các nhà trường mạnh dạn đổi mới các hình thức dạy và hoạt động giáo dục theo hướng tiếp tục triển khai, chọn lọc, mạnh dạn đổi mới các hình thức dạy và hoạt động giáo dục trên cơ sở chọn lọc những ưu việt của các mô hình thí điểm như: Dạy Tin học theo chương trình IC3-Spark ở 25 trường tiểu học với 9.361 học sinh tham gia; mô hình thư viện thân thiện Room to Read ở 97 trường tiểu học; mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN)... Vượt lên những khó khăn, nhiều trường tổ chức lần lượt hoạt động giáo dục với mục tiêu vừa đảm bảo yêu cầu phòng dịch, vừa có tính sáng tạo, kích thích tinh thần ham học hỏi, tìm tòi của học sinh như: Tổ chức triển lãm tranh theo quy mô lớp học, sáng tạo các sản phẩm tái chế tại các phòng học câu lạc bộ STEAM, tổ chức thi giới thiệu sách bằng hình thức bình chọn video đặc sắc nhất... Tiêu biểu như: Trường Tiểu học Nam Tiến (Nam Trực) tổ chức “Ngày hội sách”; Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định) tổ chức “Dự án sống xanh”, cuộc thi “Mở sách - mở thế giới”; Trường Tiểu học Lộc An (thành phố Nam Định) tổ chức cuộc thi “Em tập làm việc nhà”; nhiều trường tổ chức thi “Rung chuông vàng”, ngày Hội trăng rằm, Hội xuân; Hành trang vào lớp 1, Kỹ năng tham gia giao thông an toàn… Ở 100% trường tiểu học đã tổ chức xây dựng kế hoạch và dạy học hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; chuẩn bị tốt cho học sinh lớp 5 lên lớp 6 theo chương trình GDPT 2018. Năm học 2020-2021, nhiều hoạt động giáo dục khối các trường tiểu học được triển khai như: Hội thi Giáo viên dạy giỏi; Hội thi Tổng phụ trách Đội Giỏi; Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT hướng dẫn các đơn vị tổ chức giáo dục an toàn giao thông (ATGT) trong các trường tiểu học và viết bài tham dự Giao lưu ATGT với sự tham gia của đông đảo giáo viên, học sinh các trường tiểu học với tổng số 5.958 bài viết của giáo viên, 66.275 bài viết của học sinh; sân chơi “Ý tưởng trẻ thơ” thu hút được sự tham gia của học sinh các trường tiểu học toàn tỉnh với 55.525 bài dự thi; cuộc thi “Chiếc ô tô mơ ước” có hơn 51.172 bài dự thi; sân chơi “Trạng nguyên nhí” do VTV phát động, tỉnh ta có 5 học sinh được lọt vào vòng chung kết. Học sinh các nhà trường cũng tích cực tham gia cuộc thi: “Em vẽ trường học hạnh phúc”; triển lãm Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam năm 2021; các cuộc thi Toán, tiếng Anh đã thu hút được nhiều học sinh tham gia và giành huy chương. Các trường tiểu học tích cực tham gia các sân chơi Toán tuổi thơ, Văn tuổi thơ..., qua đó xuất hiện nhiều đơn vị điển hình như: Tiểu học Hải Anh (Hải Hậu); Tiểu học Xuân Hồng, Tiểu học Xuân Kiên (Xuân Trường).
Kết quả giáo dục lớp 1 năm học 2020-2021: 51,40% học sinh lớp 1 toàn tỉnh hoàn thành xuất sắc; 20,48% học sinh hoàn thành tốt; 26,64% học sinh hoàn thành; 1,47% học sinh chưa hoàn thành; 1,51% chưa được lên lớp. Đối với học sinh lớp 2, 3, 4, 5: 80,9% học sinh lớp 2, 3, 4, 5 đạt kết quả tốt về năng lực (Tự phục vụ, tự quản; hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề), 84,59% học sinh đạt kết quả tốt về phẩm chất (Chăm học, chăm làm; Tự tin, trách nhiệm; Trung thực, kỷ luật; Đoàn kết, yêu thương). Kết quả môn Toán - Tiếng Việt: môn Toán có 64,37% học sinh hoàn thành tốt, 35,37% học sinh hoàn thành; môn Tiếng Việt có 87,41% học sinh hoàn thành tốt; 42,59% học sinh hoàn thành. Số học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt tỷ lệ 99,64%.
Việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục ở bậc tiểu học là nền tảng để các nhà trường và các cấp học thực hiện chương trình GDPT 2018 ở những năm học tiếp theo, trước mắt là năm học 2021-2022. Trong đó, năm học 2021-2022, các trường tiếp tục triển khai bảo đảm chất lượng chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2006 từ lớp 3 đến lớp 5. Tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm chất lượng dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình, đặc biệt là môn Tin học, môn Ngoại ngữ; bảo đảm 100% giáo viên dạy học lớp 3 được bồi dưỡng theo quy định của Bộ GD và ĐT và được hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa lớp 3 từ năm học 2022-2023. Khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn. Vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Đặc biệt, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục khó khăn, chủ động ứng phó với tình hình dịch COVID-19./.
Bài và ảnh: Minh Thuận