Đổi mới phương thức hoạt động của công đoàn viên chức Việt Nam

Đổi mới phương thức hoạt động của công đoàn các cấp trong hệ thống Công đoàn Viên chức Việt Nam, đặc biệt ở cấp cơ sở, là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của các cấp công đoàn trong giai đoạn hiện nay.

Hội thảo "Đổi mới phương thức hoạt động của công đoàn viên chức Việt Nam".

Hội thảo "Đổi mới phương thức hoạt động của công đoàn viên chức Việt Nam".

Ngày 17/6, tại Hà Nội, Công đoàn Viên chức Việt Nam tổ chức Hội thảo "Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn Viên chức Việt Nam trong tình hình mới".

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, Công đoàn Viên chức Việt Nam đã tập trung chỉ đạo các cấp Công đoàn trong hệ thống tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở và đoàn viên; thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, lao động.

Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Thực tế, công đoàn cơ sở nào có nội dung sinh hoạt đa dạng, hấp dẫn, thì công đoàn nơi đó có phong trào cán bộ, công chức, viên chức sôi nổi, phong phú; tinh thần dân chủ được phát huy, tinh thần đoàn kết nội bộ được giữ vững.

Ngược lại, những công đoàn cơ sở tổ chức sinh hoạt qua loa đại khái, ở những nơi đó hoạt động công đoàn mờ nhạt, kém hiệu quả, vị thế của tổ chức công đoàn tại đơn vị không cao.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Bên cạnh đó, hoạt động của Công đoàn các cấp trong hệ thống Công đoàn Viên chức Việt Nam còn bộc lộ những hạn chế như: chưa có giải pháp thật hữu hiệu để nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, lao động với đặc thù đa số cán bộ đoàn viên có trình độ dân trí cao.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Công đoàn chưa sát với yêu cầu thực tiễn, còn nặng về lý luận, chưa có phương pháp đổi mới trong việc trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động cho cán bộ Công đoàn, đặc biệt là cán bộ nhiệm kỳ mới.

Cùng với đó, phong trào thi đua tại một số cơ quan, đơn vị còn nặng về hình thức, chưa tạo động lực thi đua từ cơ sở, từ đoàn viên, hiệu quả, tác dụng chưa cao. Công tác tham gia cải cách hành chính, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả còn hạn chế.

Việc đổi mới phương thức hoạt động Công đoàn ở một số Công đoàn cơ sở chưa rõ nét; cán bộ Công đoàn ở một vài cơ sở còn lúng túng về tổ chức hoạt động cũng như thực hiện vai trò chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn. Việc thực hiện quy chế dân chủ, chất lượng hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động tại một số đơn vị chưa cao. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, chưa phát huy hiệu quả.

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận các nội dung: đổi mới nâng cao hiệu quả công tác chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích cho đoàn viên, người lao động trong các cấp công đoàn; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; cải tiến phong cách, lề lối làm việc của cán bộ công đoàn góp phần đổi mới hoạt động của công đoàn trong giai đoạn hiện nay; công đoàn tham gia nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để khẳng định vai trò, vị thế trước yêu cầu mới...

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, Chủ tịch công đoàn Ban tổ chức Trung ương Nguyễn Văn Định, cho rằng cần nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng và lãnh đạo cơ quan, tổ chức các cấp về vị trí vai trò của tổ chức công đoàn và đội ngũ cán bộ công đoàn; xây dựng khung tiêu chuẩn, chức danh cán bộ công đoàn, làm cơ sở cho việc quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ...

Còn Chủ tịch công đoàn Bộ Tư pháp Khương Thị Thanh Huyền khẳng định, vai trò của công đoàn trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở trong cơ quan Nhà nước quan trọng và cần thiết. Công đoàn là chỗ dựa, là nơi gửi gắm niềm tin của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vào tương lai phát triển bền vững của cơ quan, đơn vị.

Luật Thực hiện dân chủ cơ sở là cơ sở pháp luật quan trọng, pháp lý chặt chẽ, là cán cân của sự công bằng, dân chủ, văn minh, là sự lành mạnh của một cơ quan, đơn vị và nền tảng cho việc đảm bảo quyền lợi cho công chức, viên chức, người lao động trong từng cơ quan, đơn vị.

Đại diện Công đoàn Thanh tra Chính phủ Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, cần cải tiến phong cách, lề lối làm việc của cán bộ công đoàn để góp phần đổi mới hoạt động công đoàn trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, Ban chấp hành công đoàn phải đổi mới lề lối làm việc, khắc phục tình trạng mang nặng tính hành chính trong hoạt động công đoàn và phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở, để công đoàn thật sự là chỗ dựa gần gũi, vững chắc của công nhân, có sức hấp dẫn đối với người lao động.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doi-moi-phuong-thuc-hoat-dong-cua-cong-doan-vien-chuc-viet-nam-post814784.html