Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
Nhằm đóng góp cho việc chuẩn bị các nội dung văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nhất là nội dung về công tác xây dựng Đảng, sáng 25/9, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: 'Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới – Những vấn đề lý luận và thực tiễn'.
Hơn 70 tham luận của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý… được gửi tới Hội thảo.
Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo nhận định, để giữ vững và không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc, khẳng định tính chính đáng, chính danh cầm quyền, trong những năm qua, Đảng không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của mình, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước ta đạt được qua hơn 30 năm đổi mới.
Tuy nhiên, trước bối cảnh, nhân tố, điều kiện mới hiện nay và những năm tới, nhất là trong điều kiện mở rộng thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng tiếp tục được đẩy mạnh đã tác động và đặt ra nhiều yêu cầu mới, cấp thiết đòi hỏi phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên các bình diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại…. để Đảng ta không ngừng vươn lên vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, ra sức nâng cao trình độ, trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo, đủ sức đảm đương trọng trách lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Các ý kiến phát biểu cũng như các tham luận gửi tới Hội thảo đã luận giải, rõ hơn khái niệm về đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo, đảng tham chính, chấp chính; về phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội; phân tích những khác biệt, chồng lấn, cũng như chỉ rõ sự giao thoa, mối quan hệ chặt chẽ giữa phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền.
Với tham luận “Đôi điều nhận thức về đảng cầm quyền và thực tiễn cầm quyền của Đảng ta”, Nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương cho rằng trong đổi mới phương thức lãnh đạo, phải phân định rõ chức năng của Đảng và Nhà nước. Đảng chỉ đạo toàn diện song không làm thay vai trò của Nhà nước. Đồng thời, việc thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy phải đi đôi với tinh giản biên chế một cách thiết thực và hiệu quả.
Còn PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng cho rằng trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, cần đặc biệt qua tâm chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa bởi nhà nước pháp quyền càng hoàn thiện thì càng củng cố được vai trò lãnh đạo của Đảng. Đồng thời cho rằng, vấn đề cốt lõi trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là phải bảo đảm được quyền lực lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, bảo đảm việc sử dụng quyền lực của Đảng đúng mục đích và lãnh đạo đạt được hiệu quả cao. Muốn làm được điều này trong tình hình mới, trước hết Đảng phải không ngừng xây dựng và chỉnh đốn theo hướng phát triển ngày càng trong sạch, vững mạnh; giữ vững được bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng của một đảng cách mạng chân chính, đặc biệt phải xây dựng được một đội ngũ đảng viên vững mạnh toàn diện, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng nhận diện, lý giải sâu hơn về những thành tựu, bất cập trong phương thức lãnh đạo - cầm quyền của Đảng hiện nay xét trên nhiều phương diện về nhận thức, lý luận đảng cầm quyền, nội dung, phương thức cầm quyền của Đảng; chế độ hoạch định và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng; thực hành dân chủ; tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân; công tác tổ chức và cán bộ; chế độ kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; công tác phòng chống tham nhũng…
Các ý kiến phát biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo - cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới, với các nội dung, chiều cạnh khác nhau như vấn đề về trách nhiệm của đại biểu, trách nhiệm của đảng viên là đại biểu cơ quan dân cử - mối quan hệ kép cần xử lý trong đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng; việc hoàn thiện chế độ bầu cử của cơ quan nhà nước trong tương quan với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; mối quan hệ giữa đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với đổi mới tư duy phát triển kinh tế; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng với tinh gọn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị các cấp…
Ngài các vấn đề chung, nhiều giải pháp được đề xuất gắn liền với thực tiễn tại các ngành, lĩnh vực, địa phương cụ thể cũng được đề cập tại Hội thảo. Nhiều nội dung được các đại biểu phát biểu tại Hội thảo là những vấn đề mới hoặc đang là những vấn đề nổi cộm, tâm điểm của đời sống chính trị, xã hội như vấn đề về kiểm soát quyền lực, tổ chức cán bộ, phòng chống tham nhũng, tinh gọn bộ máy Đảng, chính quyền tránh tùng dẫm chức năng, nhiệm vụ,…
Các ý kiến bày tỏ sự tin tưởng sâu sắc rằng, bằng bản lĩnh và với tầm nhìn, trí tuệ, năng lực, kinh nghiệm lãnh đạo suốt 89 năm qua, Đảng ta sẽ luôn vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng của dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác với tiền đồ xán lạn./.