Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới – Những vấn đề lý luận và thực tiễn
Ngày 25-9-2019, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: 'Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới - Những vấn đề lý luận và thực tiễn'. Đồng chí Phạm Chí Thành, Quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và đồng chí PGS, TS. Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia đầu ngành…
Hơn 70 tham luận của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, các nhà khoa học, chuyên gia đã được gửi tới Hội thảo. Các tham luận và nhiều ý kiến trao đổi trực tiếp tại Hội thảo đều khẳng định: Trong những năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của mình, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đạt được qua hơn 30 năm đổi mới. Đó chính là sự đổi mới hệ thống phương pháp, hình thức, biện pháp, con đường mà Đảng sử dụng để lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm hiện thực hóa Cương lĩnh chính trị, đường lối, quan điểm của Đảng trong thực tiễn. Tuy nhiên, trước những bối cảnh, nhân tố, điều kiện mới hiện nay và những năm tới, nhất là trong điều kiện mở rộng thực hành dân chủ XHCN, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được đẩy mạnh… đã tác động và đặt ra nhiều yêu cầu mới, cấp thiết đòi hỏi phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên tất cả các bình diện.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương cho rằng: Trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phải phân định rõ chức năng của Đảng và Nhà nước. Đảng chỉ đạo toàn diện song không làm thay vai trò của Nhà nước. Đồng thời, việc thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy phải đi đôi với tinh giản biên chế một cách thiết thực và hiệu quả.
Đồng chí PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải bảo đảm được quyền lực lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, không ngừng xây dựng và chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; giữ vững được bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng của một đảng cách mạng chân chính. Đặc biệt phải xây dựng được một đội ngũ đảng viên vững mạnh toàn diện, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Nhiều ý kiến cũng nhận diện, lý giải sâu hơn về những thành tựu, bất cập trong phương thức lãnh đạo - cầm quyền của Đảng hiện nay xét trên nhiều phương diện: về nhận thức, lý luận đảng cầm quyền; nội dung, phương thức cầm quyền của Đảng; chế độ hoạch định và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng; thực hành dân chủ; tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với Nhân dân; công tác tổ chức và cán bộ; chế độ kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; thực hiện các nguyên tắc của Đảng… Các ý kiến phát biểu cũng đề xuất các giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo - cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới, với các nội dung, khía cạnh khác nhau như vấn đề về trách nhiệm của đại biểu, trách nhiệm của đảng viên là đại biểu cơ quan dân cử - mối quan hệ kép cần xử lý trong đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng; việc hoàn thiện chế độ bầu cử của cơ quan nhà nước trong tương quan với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; mối quan hệ giữa đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với đổi mới tư duy phát triển kinh tế; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng với tinh gọn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị các cấp…
Những tham luận, ý kiến tại Hội thảo sẽ được tổng hợp, đóng góp vào việc xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.