Đổi mới phương thức quản lý, coi chất thải là tài nguyên

Dự thảo Luật đã đổi mới phương thức quản lý chất thải, coi chất thải là tài nguyên để góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Môi trường sửa đổi.

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải.

Theo quy định của Luật BVMT 2014, chất thải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại, chất thải rắn thông thường, chất thải rắn sinh hoạt, nước thải, bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ. Tuy nhiên, các quy định này chưa đầy đủ, chưa thống nhất, nhất là đối với chất thải rắn sinh hoạt, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn, tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Dự thảo Luật đã đổi mới phương thức quản lý chất thải, coi chất thải là tài nguyên để góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; bổ sung các quy định về phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu gom, tái chế, xử lý chất thải; khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, sản xuất nguyên liệu, nhiên liệu cho ngành sản xuất khác.

Ảnh minh họa (ảnh: TTXVN)

Ảnh minh họa (ảnh: TTXVN)

Theo đó, dự luật quy định đối với chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân thì khuyến khích phân loại theo 5 loại để từ đó có các quy định quản lý cụ thể nhằm thúc đẩy việc phân loại, nâng cao hiệu quả tái chế, quản lý chất thải rắn.

5 loại đó là chất thải rắn có khả năng tái chế (như giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh,...); chất thải hữu cơ (thức ăn thừa, rau, củ, quả, thực phẩm thừa khác); chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.

Để khắc phục tình trạng sử dụng công nghệ chôn lấp không đảm bảo yêu cầu, dự thảo Luật đã quy định cơ sở xử lý phải có công nghệ xử lý đã được thẩm định, đánh giá; khuyến khích áp dụng các công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ tốt nhất hiện có và công nghệ xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng, sản xuất nguyên liệu, nhiên liệu cho ngành sản xuất khác.

Đồng thời, giao Chính phủ quy định lộ trình chấm dứt xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng hình thức chôn lấp trực tiếp. Dự thảo Luật cũng quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức thẩm định, đánh giá công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; công bố danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được thẩm định.

Theo Dự luật, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn quản lý; quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; quy định cụ thể lộ trình, hình thức và mức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban KHCN&MT cho rằng, cần xem xét thêm việc quy định lộ trình áp dụng biện pháp tương ứng với hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn, quy định cụ thể việc thu gom, phân loại và lưu giữ tạm thời chất thải rắn thông thường trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ để bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả của việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường./.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/doi-moi-phuong-thuc-quan-ly-coi-chat-thai-la-tai-nguyen-194908.html