Đổi mới phương thức sản xuất cây ăn quả để xuất khẩu
Thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng đã quy hoạch cũng như triển khai các đề án phát triển cây trồng, vật nuôi và đặc biệt là đề án phát triển cây ăn trái đặc sản tại các địa phương, giúp một số hợp tác xã (HTX) đưa sản phẩm trái cây như: bưởi, xoài cát chu và nổi bật nhất là trái vú sữa tím xuất sang thị trường Hoa Kỳ, đem lại nguồn thu nhập tốt cho hộ dân.
Tất bật trở lại công việc chăm sóc vườn vú sữa tím sau những ngày nghỉ ngơi ăn Tết Nguyên đán, Giám đốc HTX Quyết Thắng, xã Xuân Hòa (Kế Sách) Nguyễn Văn Thiên chia sẻ: “Hai năm trở lại đây, nhờ được ngành chuyên môn khuyến cáo sản xuất trái cây an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều nhà vườn đã áp dụng làm theo. Do thấy lợi nhuận trước mắt là giảm chi phí sản xuất, sử dụng phân bón đủ liều lượng cân đối, thay thế dần các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật sang các loại phân bón hữu cơ, thuốc sinh học, nhờ đó đã tạo độ màu mỡ cho đất, cải thiện năng suất và chất lượng trái cây, thấy rõ nhất là khi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật khi vào vụ sản xuất, năng suất tăng vượt trội, thị trường ưa chuộng”.
Cũng theo thông tin từ ông Thiên, với diện tích gần 39ha trồng vú sữa tím, có 35 thành viên tham gia cùng xu thế sản xuất phục vụ thị trường xuất khẩu, các thành viên đã áp dụng quy trình canh tác theo đúng phía doanh nghiệp thu mua yêu cầu, nhằm đảm bảo trái vú sữa tím đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ước tính tổng sản lượng vú sữa tím của HTX là 400 tấn trái/năm và tính riêng số lượng vú sữa tím xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong năm 2019 gần 23 tấn trái, giá bán để xuất khẩu cao hơn thị trường nội địa từ 18.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, lợi nhuận đem về cho thành viên HTX hơn 90 triệu đồng/ha.
“Thấy được tiềm năng lớn của thị trường xuất khẩu nên hầu hết bà con trong HTX nhiệt tình hưởng ứng cũng như áp dụng tất cả các hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn và doanh nghiệp yêu cầu. Theo đó, ngoài việc bao trái để trái không bị sâu hại tấn công, còn phải dùng các loại phân bón, thuốc sinh học có nguồn gốc rõ ràng trên cây vú sữa. Hiện tại, mong muốn lớn nhất của HTX trong năm 2020 là sản lượng trái vú sữa tím được doanh nghiệp bao tiêu nhiều hơn nữa nhằm nâng cao thu nhập cho thành viên” - ông Thiên cho biết thêm.
Theo thông tin từ lãnh đạo HTX Nông nghiệp Trinh Phú, xã Trinh Phú (Kế Sách), từ khi bà con nông dân tại ấp tham gia vào HTX đến nay, thu nhập thông qua sản xuất cây ăn trái của thành viên không ngừng tăng lên, đặc biệt hơn là khi trái vú sữa tím của HTX được doanh nghiệp ký kết tiêu thụ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, toàn thể HTX vô cùng phấn khởi. Tổng diện tích trồng vú sữa tím của HTX gần 33ha, sản lượng 1ha ước đạt 60 tấn trái/năm. Thống kê năm 2019, HTX đã được Công ty TNHH XNK Vina T&T ký kết hợp đồng thu mua hơn 100 tấn trái vú sữa tím xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, giá mua 31.000 đồng/kg, cao hơn so thị trường 17.000 đồng/kg, như vậy mỗi hécta, thành viên HTX đã tăng lợi nhuận do số tiền chênh lệch gần 100 triệu đồng.
Để HTX phát triển bền vững, vững mạnh hơn nữa về xuất khẩu trái vú sữa tím, HTX đề xuất được các cấp chính quyền hỗ trợ mở rộng lộ giao thông nông thôn để xe 4 bánh vào tận HTX chuyên chở trái cây cũng như giúp hàng hóa của bà con thuận lợi hơn khi di chuyển bằng đường bộ; hỗ trợ xây dựng cho HTX tập kết hàng hóa và các trang thiết bị cần thiết sơ chế, bảo quản trái vú sữa tím; tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá trái vú sữa tím nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu để số lượng trái vú sữa của HTX phục vụ thị trường cao cấp được nhiều hơn…
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Thành Phước thông tin: “Thực hiện quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, khuyến khích nông dân tham gia kinh tế tập thể để được hỗ trợ sản xuất hiệu quả, từ năm 2019 đến nay đã có 10 HTX cây ăn trái thành lập mới, nâng tổng số HTX cây ăn trái toàn tỉnh lên 30 HTX, trong đó có 12 HTX được trao chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, diện tích hơn 265ha. Bà con nông dân đã thay đổi tập quán sản xuất truyền thống sang áp dụng khoa học kỹ thuật. Đồng thời, để phục vụ tốt hơn thị trường xuất khẩu trên các loại cây ăn trái, ngành nông nghiệp đã xây dựng 32 mã code tập trung tại 2 huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, cụ thể có 17 mã code cho cây vú sữa tím, vú sữa lò rèn; 7 mã code trên xoài cát chu, xoài Đài Loan; 4 mã code trên trái nhãn Idor, thanh nhãn; 4 mã code trên bưởi da xanh. Tới đây, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phát triển vùng cây ăn trái đặc sản tập trung, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; hướng đến sản xuất trái cây an toàn theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ gắn xây dựng chuỗi giá trị cây ăn trái; gia tăng giá trị cho sản phẩm cây ăn trái thông qua các sản phẩm chế biến…”.