Đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn trong giáo dục chính trị, tư tưởng

Công tác giáo dục chính trị (GDCT), tư tưởng là bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng; mặt hoạt động cơ bản của công tác Đảng, công tác chính trị, là cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của đơn vị.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác GDCT, thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội triển khai đồng bộ các giải pháp, không ngừng nâng cao chất lượng công tác GDCT, củng cố trận địa tư tưởng cán bộ, chiến sĩ vững chắc, xây dựng Sư đoàn vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của đơn vị.

Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 301 và cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản của cấp trên về công tác GDCT, tư tưởng, nhất là Chỉ thị số 124-CT/QUTW, ngày 31-3-2011 của Thường vụ Quân ủy Trung ương (QUTƯ) về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác GDCT tại đơn vị trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 2423-CT/QUTW, ngày 9-11-2023 của QUTƯ về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác GDCT trong giai đoạn mới; Đề án “Đổi mới công tác GDCT tại đơn vị trong giai đoạn mới”; Quy chế công tác quản lý tư tưởng quân nhân, nắm và định hướng dư luận trong QĐND Việt Nam.

 Chiến sĩ Trung đoàn 692, Sư đoàn 301 trong giờ giải lao trên thao trường.

Chiến sĩ Trung đoàn 692, Sư đoàn 301 trong giờ giải lao trên thao trường.

Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn xác định chủ trương, biện pháp, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Hằng năm, Đảng ủy Sư đoàn ban hành nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo công tác huấn luyện, xác định rõ nội dung, chỉ tiêu, yêu cầu, biện pháp tổ chức thực hiện đối với công tác GDCT cho các đối tượng; cơ quan chính trị xây dựng hướng dẫn cụ thể sát với từng đối tượng.

Trong đó hướng vào nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về truyền thống, nhiệm vụ của Quân đội, của đơn vị và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng yếu, sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trên địa bàn và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được giao.

Các cơ quan, đơn vị trong toàn Sư đoàn luôn duy trì hiệu quả chế độ nắm, dự báo, định hướng và báo cáo tình hình tư tưởng bộ đội; thực hiện đồng bộ 6 bước nắm, quản lý tư tưởng quân nhân (nắm tư tưởng; dự báo tình hình tư tưởng; phân cấp quản lý, đánh giá, phân loại tư tưởng; định hướng tư tưởng; giải quyết tư tưởng; đấu tranh tư tưởng); vận dụng phù hợp tài liệu “Dấu hiệu nhận biết các nhóm hành vi vi phạm kỷ luật, mất an toàn, tâm lý bất thường và gợi ý biện pháp xử lý của cán bộ cơ sở đối với những tình huống tư tưởng có thể nảy sinh” của Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị.

Đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới, Sư đoàn chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy, cán bộ chính trị, cơ quan chính trị các cấp chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng theo phương châm “4 cùng, 5 nắm” để có biện pháp giúp đỡ, giáo dục phù hợp.

Đặc biệt, năm 2023, Sư đoàn 301 tổ chức 5 cuộc “chỉnh cán” trước khi bước vào huấn luyện cho các đối tượng; chỉ đạo phát huy hiệu quả mô hình nhóm Zalo trung đội với gia đình quân nhân (toàn Sư đoàn 301 có hơn 70 nhóm). Qua đó đơn vị nắm rõ hơn về hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của chiến sĩ và gia đình. Ngược lại, gia đình cũng được thông tin về tình hình chấp hành kỷ luật, chất lượng thực hiện nhiệm vụ của con em mình, nhất là các thành tích nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ của chiến sĩ được đơn vị biểu dương. Cách làm này phát huy tốt vai trò của gia đình, người thân trong nắm, động viên tư tưởng chiến sĩ (nhất là giai đoạn huấn luyện chiến sĩ mới). Ngoài ra, nó còn giúp cấp ủy, chỉ huy các cấp nắm bắt, quản lý, kịp thời định hướng tư tưởng cho bộ đội.

Trên cơ sở nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị ở cơ sở, nhất là cấp đại đội, tiểu đoàn, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 301 thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chăm lo bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực, kiến thức chuyên môn và phẩm chất của đội ngũ cán bộ, coi đây là khâu then chốt nâng cao chất lượng công tác GDCT ở đơn vị. Thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kiện toàn đầy đủ các tổ cán bộ giảng dạy chính trị và duy trì hoạt động đúng quy chế.

Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng bài chính trị bằng nhiều hình thức, như: Thông qua tập huấn, bồi dưỡng cán bộ chính trị; hội thi cán bộ chính trị, cán bộ giảng dạy chính trị; hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi hằng năm, thông qua các hội nghị giao ban công tác Đảng, công tác chính trị... Nhờ đó, kết quả tham gia hội thi các cấp của Sư đoàn đạt kết quả cao (tham gia hội thi cán bộ giảng dạy chính trị toàn quân năm 2023 có một đồng chí đoạt giải nhì).

Bên cạnh đó, Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức tổ chức và phương pháp GDCT; chú trọng kết hợp chặt chẽ phương pháp giảng dạy truyền thống với hiện đại, trang bị kiến thức với trao đổi kinh nghiệm thực tiễn; sử dụng máy trình chiếu, mô hình, phim tài liệu bổ trợ theo chủ đề các bài học, tạo sự cuốn hút trong học tập, giúp bộ đội nắm chắc kiến thức, hiểu sâu nội dung, liên hệ, vận dụng sát với chức trách, nhiệm vụ được giao.

Chiến sĩ Sư đoàn 301 tham quan phòng truyền thống của đơn vị trong một buổi giáo dục chính trị. Ảnh: VĂN HIẾU

Chiến sĩ Sư đoàn 301 tham quan phòng truyền thống của đơn vị trong một buổi giáo dục chính trị. Ảnh: VĂN HIẾU

Các hình thức sinh hoạt chính trị, tư tưởng như ngày chính trị và văn hóa tinh thần, ngày pháp luật, hoạt động phòng truyền thống, phòng Hồ Chí Minh; truyền thanh nội bộ... cùng với băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, biển cổ động ở đơn vị và thao trường được duy trì thường xuyên; gắn công tác GDCT tư tưởng với công tác xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật... đã góp phần nâng cao ý thức tự giác cho bộ đội trong chấp hành kỷ luật Quân đội, quy định của đơn vị, xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh. Hằng năm, qua kiểm tra nhận thức chính trị của cán bộ, chiến sĩ của đơn vị có 100% đạt yêu cầu, trong đó trên 75% khá, giỏi.

Hướng tới chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống Sư đoàn 301 (27-2-1979 / 27-2-2024), cán bộ, chiến sĩ đơn vị xác định tiếp tục phát huy truyền thống “Trung thành vô hạn, đoàn kết một lòng, gắn bó máu thịt với dân, đã ra quân là chiến thắng”, chủ động khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá NGUYỄN VĂN HỮU, Chính ủy Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/doi-moi-sang-tao-bam-sat-thuc-tien-trong-giao-duc-chinh-tri-tu-tuong-766376